Những thanh sắt cong vênh vì sức nóng, khói bụi mù mịt và tro tàn hàng hóa đã cháy… là tất cả những gì còn sót lại sau vụ hỏa hoạn tại chợ Nhà Xanh (phố Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) xảy ra vào sáng 16/12.

img_2431%20copy.jpg
Khu vực đám cháy mù mịt khói (Ảnh: Hà Phương)

Sau hỏa hoạn, thiệt hại ban đầu cho thấy có 22 ki-ốt bị thiêu rụi hoàn toàn, 10 gian hàng bị ảnh hưởng một phần. Hàng chục tiểu thương bỗng chốc trở nên trắng tay. Hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng tiền hàng hóa trong mỗi ki-ốt đã “biến” thành tro chỉ sau 2 giờ đồng hồ “bà hỏa” ghé thăm. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được cơ quan công an điều tra điều tra, làm rõ. 

Ngày 18/12, ông Nguyễn Văn Thắng-Trưởng phòng Kinh tế-UBND quận Cầu Giấy cho biết: “Ngay sau hỏa hoạn xảy ra, quận Cầu Giấy đã nhanh chóng họp với các hộ kinh doanh bị thiệt hại từ vụ cháy để thống kê thiệt hại và bàn phương pháp khắc phục. Về chủ trương, sau khi tập hợp thiệt hại, quận sẽ có phương án hỗ trợ các tiểu thương về địa điểm, mặt bằng kinh doanh mới, trong đó không tính phí và giảm thuế trong thời gian nhất định”.Tồn tại nhiều vi phạmTheo ông Thắng, chợ Nhà Xanh là khu vực chợ tạm, nằm trong diện giải tỏa để mở rộng phố Phan Văn Trường. Trước kia, đây là chợ dân sinh, bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Sau này, chợ “biến tướng” với 90% các hộ kinh doanh quần áo, giày dép, túi sách… phục vụ sinh viên trên địa bàn quận.

Quận Cầu Giấy cũng đã lên phương án di dời chợ sang địa điểm kinh doanh mới cách chợ tạm nhà Xanh 300m (nằm trên phố Phạm Tấn Tài, với tổng diện tích 2.600m2 ) vào thời gian sau Tết Nguyên đán. Dự kiến, sau Tết dương lịch, các tiểu thương sẽ tiến hành bốc thăm chỗ kinh doanh mới. Quận Cầu Giấy đã có thông báo thu hồi đất, thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, kế hoạch chưa kịp thực hiện thì hỏa hoạn đã xảy ra.

Tiểu thương cố gắng lục tìm những gì còn sót lại sau đám cháy

Tồn tại hơn 10 năm qua, chợ Nhà Xanh được dựng theo kết cấu khung thép, mái tôn, trần ốp xốp nên khi hỏa hoạn xảy ra, kết cấu này bị nhiệt tác động khiến sập đổ nhanh chóng. Đây cũng là nơi tồn tại nhiều vi phạm trong thời gian qua như hệ thống điện đấu nối không theo quy chuẩn, hàng hóa bày bán lấn chiếm lòng đường, gây ách tắc vào giờ cao điểm, các hộ kinh doanh đun nấu sử dụng bếp than để gần các vật dễ cháy… Phần lớn tiểu thương ở đây là người dân các tỉnh lân cận lên Hà Nội buôn bán sinh sống.

“Theo quy định, những hộ có hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh thì mới được cấp điện sử dụng. Còn những hộ không có hợp đồng, mua vé theo ngày, họ thường nhờ vào những mối quan hệ quen biết rồi câu móc điện tùy tiện từ vùng lân cận về các ki - ốt kinh doanh. Dưới góc độ Ban quản lý chợ biết rõ đó là sai phạm, nhưng không quản lý nổi”, ông Thắng đưa dẫn chứng.

Ông Thắng nhấn mạnh thêm: “Sau khi xảy ra sự cố, quận đã có phương án sang tuần sau sẽ họp với các tiểu thương trong chợ để tiến hành bốc thăm, sắp xếp chỗ kinh doanh mới. Trước khi di dời chợ tạm ra địa điểm mới, Quận Cầu Giấy đã lên phương án yêu cầu Phòng Cảnh sát PC&CC đến thẩm định cơ sở vật chất, đảm bảo đủ điều kiện PCCC. Khi có giấy chứng nhận đảm bảo, quận mới đồng ý để chợ đi vào hoạt động”.

Trước đó, vào khoảng 6h30 sáng 16/12, ngọn lửa bùng phát tại một ki-ốt phía cuối chợ Nhà Xanh, sau đó nhanh chóng lan ra các ki-ốt khác.

Lực lượng cứu hỏa đã điều động xe chữa cháy và 200 cán bộ chiến sĩ PCCC đến hiện trường. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế sau khi thiêu rụi 32 gian hàng gây thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Rất may không có thương vong vụ hỏa hoạn này./.