Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở thôn Xuân Thạnh 2 có hai đứa con đều phải nằm viện do sốt xuất huyết lo lắng: “Các cháu bị nóng, đau đầu. Gia đình đã nhờ bác sĩ truyền nước ở nhà 3 ngày nhưng không thuyên giảm mà còn nôn ra máu nên chuyển lên viện. Ở viện, tôi thấy nhà nào cũng có 2-3 người bị bệnh”.
Điều đáng nói, nhiều người còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nhức mỏi, thay vì đến cơ sở y tế khám, điều trị, người bệnh lại tự ý mua thuốc về uống, đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện.
Hiện ở Phú Yên đã có hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết cũng xuất phát từ tâm lý chủ quan của người bệnh và cơ sở y tế tuyến dưới.
Bác sỹ Phan Thế Nhân - Khoa nhiệt đới bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cho rằng: “Sốt xuất huyết khiến chảy máu ở nhiều nơi, rồi dẫn tới những biến chứng nặng như thể não, viêm cơ tim, niêm thận cấp, hoặc những biến chứng về gan. Đa số gặp chảy máu âm đạo, chảy máu chân răng, cho nên phải theo dõi chặt chẽ và làm xét nghiệm kịp thời”.
Đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận trên 2.000 trường hợp sốt xuất huyết, đã có hai trường hợp tử vong. Những ngày đầu năm nay, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát trở lại. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết: “Dịch sốt xuất huyết ở Phú Yên nằm trong vùng báo động. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các huyện, đoàn thể tổ chức dọn vệ sinh diệt bọ gậy ngay để nguy cơ lây truyền bệnh. Đối với cơ sở điều trị, chúng tôi cập nhật phác đồ điều trị mới nhất của Bộ Y tế và dán luôn ở phòng bệnh”./.