Những ngày qua, tại ĐBSCL, lũ lớn trên diện rộng làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản. Cùng với các ao hầm nuôi thủy sản bị mất trắng thì người dân vùng đầu nguồn lũ ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại hoang mang hơn khi nhiều chuồng trại nuôi cá sấu cũng bị chìm trong lũ. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi cá sấu thoát ra khỏi chuồng.

Nhiều hộ dân nuôi cá sấu ở Hồng Ngự đã làm đơn cầu cứu địa phương cho mượn chỗ để cá sấu tránh lũ. Theo các hộ dân ở ấp Bình Thạnh B, xã Bình Thạnh, chuồng nuôi cá sấu xây cao hơn mặt đất gần 5m nhưng hiện nay nước đã tràn vào chuồng.

Một hộ dân nuôi hơn 200 con cá cá sấu ở đây lo lắng: “Bây giờ nước lên mà không biết thả cá sấu ở đâu, sợ cá sổng ra ngoài sông rạch thì nguy hiểm vô cùng”.

Còn ông Nguyễn Văn Đức, hiện đang nuôi hơn 100 con cá sấu cho biết quá bất ngờ trước diễn biến của lũ nên không kịp trở tay. Mặc dù chuồng nuôi sấu xây an toàn, có lưới sắt bảo vệ nhưng ông vẫn lo ngại sóng to gió lớn, mưa bão liên tục làm chuồng nuôi sấu bị vỡ, cá sấu sẽ thoát ra ngoài theo lũ.

Theo ông Đức, sấu nuôi rất khỏe và hung dữ, nếu thoát ra sông sẽ gây nguy hiểm cho người dân. Nước lũ lên cao, sấu sổng chuồng rất khó bắt lại. Do vậy, hiện nay ông đã di dời khoảng phân nửa số cá sấu trong các chuồng bị ngập sâu xuống các ghe nhà, nhưng hàng ngày, bản thân ông và gia đình vẫn lo lắng, không yên tâm.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, đã báo cáo sự việc với địa phương nhưng chưa giải quyết được và đành phải di dời tạm như hiện nay.

Theo người dân địa phương, số lượng cá sấu chỉ riêng ở ấp Bình Thạnh B là hơn 300 con, cá đã đạt chiều dài trung bình khoảng 1,5m, cá biệt có nhiều con dài tới hơn 2,5m. Ở xã Bình Thạnh có hơn 12 hộ nuôi với số lượng hơn 1.200 con.

Nhiều hộ nuôi cá sấu hiện nay không còn giải pháp nào đã đề nghị cho xây chuồng tạm trên các cầu bê-tông nhưng ngành chức năng cho rằng biện pháp này kém an toàn, cản trở giao thông. Ông Nguyễn Văn Thiện, nuôi hơn 100 con cá sấu cho rằng: “Tôi chỉ biết cưa cây, lấy vật dụng để kê kích lên cho cao chứ không làm gì hơn được nữa”.

Trước tình huống bất ngờ này, cùng với công tác phòng chống lũ, Phòng Nông nghiệp thị xã Hồng Ngự cho biết đã cử cán bộ xuống khảo sát các điểm nuôi cá sấu ở xã Bình Thạnh giúp người dân di tản bầy cá sấu đến nơi an toàn.

Giải pháp tạm thời là hướng dẫn các hộ chăn nuôi thả cá sấu vào các ghe lớn, lấy lưới rào bao quanh các ghe. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng chia ra nhiều tổ để phối hợp cùng với người dân thực hiện các giải pháp trước mắt không để cá sấu sổng chuồng.

Cá sấu sổng chuồng là một tai họa vô cùng nguy hiểm và rất dễ xảy ra. Đây là động vật nguồn gốc hoang dã, rất dữ tợn và khó thuần hóa. Sau một thời gian dài bị nhốt trong chuồng trại quẫn bách, tù túng, khi sổng ra ngoài, đói mồi lại càng trở nên hung dữ và nguy hiểm.

Với những ẩn họa rình rập như thế, bên cạnh việc các chủ trại phải đề cao cảnh giác, nâng cấp chuồng trại, nhất là trong thời điểm lũ lớn như hiện nay thì chính quyền địa phương ở tỉnh Đồng Tháp cũng như nhiều địa phương vùng lũ khác cũng cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ trại gia cố chuồng trại, bảo vệ cá sấu nghiêm ngặt, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra./.