Mạo danh lừa tiềnAnh Trần Hán Kiên ở quận Bình Thạnh, TP.HCM kể lại chuyện mình bị lừa: Thấy cửa hàng Khanh Mobile ở số 8 Tống Phước Hổ, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định rao bán trên mạng điện thoại Sony Ericcsion Satio với giá 4.100.000 đồng. Tin tưởng vào cửa hàng nên anh đã chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để mua hàng. Mấy hôm sau, anh nhận được hàng nhưng khi mở ra thì không phải điện thoại Sony Ericcsion Satio mà là điện thoại Black Berry với giá trên thị trường chỉ gần 1 triệu đồng.

Không chỉ người mua bị mắc lừa, ngay cả người bán hàng nếu không cảnh giác cũng dễ trở thành nạn nhân. Đó là trường hợp của anh Trần Minh ở 170 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Một khách ở Bắc Giang gọi điện để mua kính thiên văn phản xạ F76700 của anh với giá 1.350.000 đồng và nói sẽ nhờ người đến lấy hộ. 5 phút sau, anh nhận được tin đã chuyển tiền nên giao luôn kính cho người đến lấy hộ. 1h sau có một khách hàng ở Quảng Ninh gọi điện nói đã chuyển tiền và yêu cầu anh chuyển hàng ngay. Anh tá hỏa và kiểm tra lại thông tin thì đúng là khách ở Quảng Ninh đã chuyển tiền cho anh.

Theo TS. Vương Ngọc Tuấn, Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, đây là một hình thức lừa đảo mới khá tinh vi và trắng trợn. Kẻ lừa đảo đã biết được số điện thoại và món hàng mà anh Minh bán và lợi dụng để lừa đảo, hoặc có thể cả 2 khách hàng ở Quảng Ninh và Bắc Giang chỉ là một người.

Khó quản lý!Hiện nay, các website hay diễn đàn rao vặt trên mạng rất dễ dãi trong việc đăng tin. Không có khâu kiểm chứng hàng hóa và thông tin người bán nên khó có thể quản lý được chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm. Các website mua, bán qua mạng ở Việt Nam, hầu như mới chỉ sử dụng hình thức thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng. Hoặc để người tiêu dùng lên mạng tìm thông tin rồi thực hiện giao dịch bằng thỏa thuận miệng giữa người mua và người bán. Về cơ bản, những giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý, quá nhiều kẽ hở. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những trò lừa đảo tung hoành. Không ít kẻ xấu đã lợi dụng đăng thông tin bán hàng hoá trên mạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng hoá do trộm cắp. Vì không có ràng buộc pháp lý nên ngay cả khi nhận ra mình đã bị lừa, khách hàng cũng “khó ăn, khó nói” vì không có cơ sở để đối chất hay khởi kiện.

Để hạn chế tình trạng này, tại một số trang web đã có yêu cầu, trước khi bán hàng, người bán phải đăng ký tài khoản thành viên và kích hoạt bằng email, số điện thoại di động. Mỗi tài khoản bán hàng đều đi kèm với một hồ sơ cá nhân. Trong đó bao gồm lịch sử uy tín bán hàng do những người mua trước đó đánh giá. Ngoài ra, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và quản trị mạng đều đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng không nên giao dịch trực tiếp với người bán qua những mục như rao vặt mà nên giao dịch và thanh toán qua cổng thông tin trực tuyến nganluong.vn với chế độ thanh toán tạm giữ. Với mọi hình thức giao dịch, khách hàng không nên đặt cọc tiền để mua hàng, đừng quá cả tin vào “thế giới ảo” để rồi mắc lừa./.