Một bộ bàn quầy bếp đẹp có thể trở thành trung tâm của khu vực bếp trong tổ ấm của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể còn mong muốn căn bếp phải hữu dụng, chứa được nhiều đồ đạc và thuận tiện cho quá trình làm bếp và sinh hoạt gia đình nữa. Sau đây là một số thiết kế sáng tạo được các chuyên gia đề xuất mà bạn có thể tham khảo.

1/ Mẫu quầy bếp hài hòa với thiên nhiên và là không gian sinh hoạt chung cho gia đình có trẻ em

Chủ nhân của căn bếp là một đầu bếp giỏi và yêu thích công việc nấu ăn. Gia chủ cũng muốn căn bếp là nơi tụ tập cho cả gia đình và bạn bè. Bàn quầy bếp được thiết kế hướng ra vườn, có diện tích rộng, có không gian tích hợp thêm với giá sách cho trẻ em và mặt bàn bếp rộng để cả gia đình và bạn bè có thể tổ chức tiệc theo kiểu buffet. Bàn quầy cũng được bố trí 2 chậu rửa, vòi cấp nước nóng – lạnh riêng biệt, máy rửa bát, tủ lạnh đựng rượu, ngăn để đồ ăn sáng kiểu tây và các ngăn chứa dụng cụ làm bếp.

2/ Mẫu quầy bếp theo phong cách hiện đại, công nghiệp và hình khối

Khu quầy bếp được thiết kế với chi tiết ốp gạch lát đen, nhỏ, phủ toàn bộ khúc cong của bàn quầy, vừa tạo điểm nhấn, vừa tạo họa tiết cho quầy bếp. Khúc cong của khu quầy bếp cũng tạo điều kiện cho việc đi lại, di chuyển ra phía cửa. Để bố trí quầy bếp theo thiết kế này, mặt bằng cần phải đủ diện tích để bố trí chiều rộng quầy bếp tối thiểu 90cm và lối đi xung quanh quầy bếp tối thiếu rộng 1m. Quầy bếp được thiết kế với một bồn rửa lớn, một máy rửa bát, ngăn kéo chứa đồ và ổ cắm điện cho các dụng cụ làm bếp.

3/ Mẫu quầy bếp thanh lịch, thoải mái cho các cặp đôi đam mê nấu ăn

Khu quầy bếp nằm giữa khu vực không gian mở gồm phòng ăn và phòng khách rộng rãi với trần nhà cao và tông màu trắng nội thất nhẹ nhàng. Điều quan trọng là thiết kế nhà bếp gắn liền với hai không gian này, vì vậy kiến trúc sư đã chọn màu trắng cho quầy bếp và tủ bếp, đồng thời sử dụng cùng một kết cấu kiểu Shaker cho  toàn bộ các chi tiết nội thất còn lại của ngôi nhà (như cửa kho bếp, khoang tủ bếp chứa tủ lạnh, tường…) để tạo sự gắn kết. Các lựa chọn chi tiết trên đã tạo nên một tổng thể căn bếp thanh lịch, sang trọng nhưng vẫn bảo đảm sự thoải mái cho các thành viên trong gia đình. Với thiết kế như trên, nếu bạn muốn làm cho quầy bếp nổi bật hơn trong tổng thể này, bạn có thể thêm một số chi tiết cho khu vực tủ bếp phía trên bếp nấu hoặc bố trí một màu sắc khác cho khu vực này. Một sự lựa chọn khác là bạn có thể làm mặt bàn quầy dày hơn, tạo thành một điểm nhấn đáng chú ý cho quầy bếp so với toàn bộ khu vực bếp.

4/ Mẫu quầy bếp gia đình với không gian liền kề rộng

Mẫu quầy bếp này dành cho những gia đình muốn có một nhà bếp tiện dụng, thân thiện với các thành viên, vừa có thể được sử dụng để chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày cho gia đình, vừa có thể sẵn sàng để tổ chức các buổi tiệc đứng với bạn bè và người thân. Quầy bếp được thiết kế với sự kết hợp thẩm mỹ công nghiệp và đương đại qua việc kết hợp sử dụng chất liệu gỗ mộc tự nhiên với ván ghép polyurethane MDF hai lớp; ngoài ra, thẩm mỹ công nghiệp cũng được thể hiện qua lớp sơn hoàn thiện nội thất màu xanh nước biển đậm phủ trên gỗ ép theo phong cách New York. Quầy bếp có ngăn tủ đựng đồ thủy tinh, ngăn kéo để dao kéo và ngăn để bát đĩa ở phía tủ bếp nấu.

5/ Mẫu quầy bếp dành cho gia đình gồm 4 người yêu công việc bếp núc

Với mẫu quầy bếp này, các kiến trúc sư đã lắp lên mặt quầy bếp một phiến gỗ bìm bìm lớn để không tạo cảm giác quầy bếp cứng nhắc với chỉ đá và bê tông. Việc thêm gỗ tấm tự nhiên cũng giúp tạo hình khối trang trí độc đáo nhưng hài hòa. Các nhà thiết kế cũng tạo thêm sự liên kết của quầy bếp với phần còn lại của gian bếp bằng cách sử dụng các tay cầm bằng gỗ với các cánh tủ, ngăn kéo và tay nắm cửa. Việc tạo mặt quầy bếp thành hai tầng cũng giúp tăng sự hấp dẫn và độc đáo cho quầy bếp. Quầy bếp này có lắp đặt máy rửa bát, bồn rửa âm, tủ đựng bát đĩa, hai ngăn kéo lớn và khu vực ngồi được bố trí với chiều cao thuận lợi để có thể kết hợp làm bàn ăn./.