1. Lò vi sóng
Lò vi sóng là một món đồ khá phổ biến trong căn bếp của nhiều gia đình hiện nay bởi chúng đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Tác dụng của vật dụng này cũng rất đa dạng khi vừa có thể rã đông đồ sống, nướng, hấp, hâm nóng thức ăn,... Chính vì công dụng ấy mà chúng được sử dụng nhiều lần trong ngày, tuy nhiên không phải ai cũng có thói quen vệ sinh ngay trừ khi quá bẩn. Đó là lý do khiến cho vi khuẩn sinh sôi.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, mỗi gia đình nên vệ sinh lò vi sóng sau mỗi lần chế biến thức ăn, đặc biệt là làm sạch vị trí tay cầm hay các nút điều khiển để ngăn ngừa sự sinh sôi của vi khuẩn gây bẩn. Cách vệ sinh tốt nhất là sử dụng giấm để lau dọn lò vi sóng thường xuyên.
2. Đồ dùng chống dính
Ngày nay, hầu hết những món đồ dùng để nấu như chảo, nồi, nồi chiên,... đều có lớp chống dính trên bề mặt bởi nhiều tiện ích mà chúng đem lại cho công việc nấu nướng. Tuy nhiên, lớp phủ Teflon trên bề mặt giữ cho thức ăn không bị dính lại có thể phát ra khói độc khi đun nóng trên 260°C. Ngoài ra, trong quá trình làm sạch, nếu cọ rửa mạnh khiến lớp chống dính này bị xước cũng dễ sản sinh ra khói này khi ở nhiệt độ làm nóng thấp hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Để giảm thiểu điều này, bạn có thể thay thế chúng bằng dụng cụ nấu ăn bằng thép không gỉ. Nó vẫn đáp ứng được độ bền và sự an toàn với người sử dụng. Để thực phẩm không bị dính khi nấu, bạn có thể sử dụng bình xịt chống dính, dầu ô liu hoặc dầu ăn.
3. Thớt
Những loại thớt bằng gỗ, nhựa cũng chứa rất nhiều vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong những vệt nứt trên bề mặt, những vết mủn, vụn gỗ ở thớt đã sử dụng lâu. Theo một nghiên cứu đến từ trường Đại học Arizona của Mỹ, số vi khuẩn ở bề mặt thớt là 4.000 vi khuẩn/1cm², nhiều gấp 200 lần so với bồn cầu.
Để giảm thiểu điều này, mỗi gia đình nên sắm nhiều hơn một cái thớt với các mục đích sử dụng khác nhau, ví dụ như đồ sống và đồ chín, đồ tanh và thịt, hoa quả và rau củ sống,... để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo. Sau khi sử dụng, thớt nên được rửa bằng nước rửa bát và tráng qua bằng nước ấm rồi lau khô hoặc để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không nên cất thớt khi chúng vẫn đang còn ướt, do môi trường ẩm ướt chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
4. Miếng cọ rửa bát
Miếng rửa bát là nơi chứa nhiều vi khuẩn, bởi chúng được dùng để cọ rửa những vết bẩn, và sau mỗi lần như vậy thì lượng vi khuẩn lại được tích tụ thêm. Đồng thời, chúng cũng luôn trong trạng thái ẩm ướt, dễ sinh sôi và phát triển vi khuẩn. Theo nghiên cứu, một miếng bọt biển thường là nơi trú ngụ của khoảng 50 triệu vi khuẩn gây hại và khi soi dưới kính hiển vi, người ta đã phát hiện ra rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như tả, thương hàn, ngộ độc thực phẩm,…. Vì thế, để đảm bảo vệ sinh không gian nhà bếp, bạn cần phải giặt sạch sẽ dụng cụ sau khi sử dụng và cũng tráng qua nước nóng.
5. Bồn rửa bát
Bồn rửa bát là nơi bạn dùng để rửa thực phẩm sống và luôn ẩm ướt, thực sự là một nơi “vô cùng kém vệ sinh” và là điều kiện thuận lợi hội tụ nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Vì thế, chúng ta cần chú ý đến việc vệ sinh bồn rửa bát thật kỹ càng, thường xuyên và tránh ngâm bát đũa lâu trong bồn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước ấm để làm sạch và không còn mùi hôi, tanh hay mảng bám của dầu mỡ.
6. Máy xay thịt
Đây là món đồ tuy không được sử dụng nhiều tại các hộ gia đình, nhưng chúng cũng rất tiện lợi. Đi kèm với đó, vì kết cấu phức tạp và trọng lượng khá nặng nên khó khăn trong việc vệ sinh máy kĩ càng trong các ngóc ngách. Một vài mẩu thức ăn còn sót lại cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và khiến máy xay nhanh trở nên bẩn.
Vì thế, để hạn chế lượng vi khuẩn đang tích tụ và phát triển, bạn nên tháo rời máy để vệ sinh thật kỹ và thường xuyên sau mỗi lần sử dụng. Dùng chanh để cọ rửa cũng là một cách hay.
7. Tủ lạnh
Tủ lạnh cũng là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, dễ khiến các thực phẩm nhiễm khuẩn chéo nếu không được bảo quản và phân chia rõ ràng. Do sự phát triển của vi khuẩn chủ yếu là ở môi trường ẩm ướt, cộng thêm việc chúng ta thường có thói quen cất giữ đồ ăn, thức uống kể cả đồ sống và chín nên lại càng tạo điều kiện cho chúng sinh sôi.
Để bảo đảm cho sức khỏe và tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo, ngoài việc thường xuyên lau dọn tủ thường xuyên, bạn cũng nên sắp xếp những ngăn riêng biệt để phân biệt thịt và thực phẩm tươi sống, rau sạch, hoa quả, đồ ăn đã chế biến. Ngoài ra, đừng quên vứt những món đồ không sử dụng và dọn dẹp không gian tủ mỗi ngày.
8. Thùng rác
Thùng rác là nơi bẩn nhất trong nhà bếp bởi chúng là hỗn hợp của cả đồ ăn chín, đồ sống và những vật dụng linh tinh khác. Sự kết hợp của những điều trên, cộng thêm môi trường ẩm ướt sẽ là điều kiện thuận lợi khiến chúng bị lên men, vi khuẩn sinh sôi, thậm chí còn thu hút rất nhiều côn trùng như ruồi, ruồi giấm, gián,... Để tránh điều này, bạn nên vất rác thường xuyên, tránh để rác tích tụ lâu ngày. Ngoài ra cũng nên vệ sinh thùng rác mỗi lần sau khi đổ để giữ cho chúng luôn được sạch sẽ, tránh mùi hôi./.