Năm 2013, tại các tỉnh Tây Nguyên đã hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề về cả người lẫn tài sản, cây trồng, vật nuôi do mưa bão gây ra. Thời điểm này, Tây Nguyên đã bắt đầu bước vào mùa mưa của năm 2014. Rút kinh nghiệm từ năm trước, tại những vùng rốn lũ, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân trong vùng đang tích cực chuẩn bị các biện pháp nhằm chủ động phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại.

lu-o-tay-nguyen.jpg
Thủy điện An Khê-
Ka Nak xả lũ làm ngập trắng một vùng của Thị xã Ayun Pa

Xã Ia Broái, huyện Ia Pa được coi là rốn lũ tại vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai vì nơi đây có địa hình thấp và có dòng sông Ba chảy qua. Hàng năm, cứ đến mùa mưa, khi thủy điện ở đầu nguồn xả lũ, hàng trăm hộ dân trong xã lại phải đối mặt với ngập lụt. Cũng từ ngày có thủy điện ở đầu nguồn, người dân nơi đây đã thành quen với việc phải chủ động các biện pháp đề phòng nước lũ dâng cao.

Bà Rơ Ô H’Nhun, dân tộc J’rai, ở buôn Jứ Ma Uốk, xã Ia Broái cho biết, trước đây, nước lũ sông Ba không bao giờ ngập được nhà sàn của bà con trong vùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là trận lũ lịch sử năm 2009 đã ngập qua nhà, cuốn trôi nhiều tài sản, cây trồng và vật nuôi. Vì vậy, năm nay, mới đầu mùa mưa nhưng bà con trong buôn Jứ Ma Uốk đã tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp chủ động cho tình huống nước lũ dâng cao.

Bà Rơ Ô H’Nhun cho biết thêm: “Năm nay, gia đình tôi đã mua 2 cái thuyền, nước có ngập lên thì dùng để chở người ra chỗ cao. Mỗi cái thuyền chở được 4-5 người. Gia đình tôi cũng chủ động gia cố lại nhà cửa, chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm, nếu xảy ra lũ lụt cũng không lo nữa”.

Gia đình bà Rơ Ô H’Nhun- xã Ia Broái đã chuẩn bị sẵn 2 chiếc thuyền thúng đề phòng nước lũ sông Ba dâng cao 

Giống như gia đình bà Rơ Ô H’Nhun, hàng trăm hộ dân ở các buôn làng trong xã Ia Broái, huyện Ia Pa đã chủ động các biện pháp để đối phó với mưa lũ. Ông Nay Hen, Bí thư Đảng ủy xã Ia Broái cho biết, xã có hai buôn nằm ngay cạnh sông Ba là buôn Jứ Ma Hoét và buôn Jứ Ma Uôk với khoảng 200 hộ người J’rai. Tất cả 200 hộ dân này đều đã chủ động mua thuyền (loại đan bằng tre nứa), với giá khoảng 1 triệu đồng/chiếc để đề phòng nước lũ sông Ba dâng cao thì làm phương tiện di dời người và tài sản. Bà con cũng đã tiến hành thu hoạch hoa màu sớm, di dời gia súc lên nương rẫy vào đầu mùa mưa và tích trữ lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, các biện pháp này đều là tạm thời, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối, tình hình lũ lụt phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến mưa bão và thủy điện xả lũ ra sao. Về lâu dài, xã đã tính đến phương án di dời dân ở hai buôn cạnh sông đến nơi an toàn, nhưng bà con vẫn chưa chấp thuận vì nhiều lý do.

Ông Nay Hen cho hay: “Theo dự tính chúng tôi đưa bà con vào làng Tăng Ố. Kế hoạch đó tỉnh đã đồng ý nhưng người dân 2 buôn không chịu di dời, vì đây là nơi sinh sống lâu đời của bà con. Thứ hai là về vấn đề đất ruộng, nếu di dời thì bà con phải đắp nền lên cao, trong khi họ không đắp được”.

Thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ , tạo thành lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho người dân hạ lưu

Còn tại thị xã Ayun Pa, nơi hàng năm đều chịu ảnh hưởng của nước lũ sông Ba, chính quyền và người dân địa phương cũng đang chủ động các biện pháp phòng chống lụt bão. Ông Mai Thế Phụng, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng thị xã Ayun Pa cho biết, thị xã đang tích cực triển khai mọi biện pháp để Luật phòng chống thiên tai (có hiệu lực từ 1/5/2014) đi vào thực tế ngay trong mùa mưa lũ năm nay. Trong đó, nhấn mạnh đến ý thức, tính tự giác và trách nhiệm của người dân trong phòng chống thiên tai. Bởi, trong trận bão số 14 năm 2013, trên địa bàn thị xã đã xảy ra trường hợp gần 30 hộ dân không chấp hành yêu cầu di dời của chính quyền địa phương, cố tình ở lại một bãi bồi giữa sông Ba. Khi mưa lớn, nước lũ dâng cao gần ngập bãi bồi các hộ dân này mới gọi điện kêu cứu. Rất may, chính quyền thị xã Ayun Pa đã kịp thời đưa ca nô di dời toàn bộ số hộ dân này ra nơi an toàn trước khi nước lũ sông Ba nhấn chìm bãi bồi. Đây là bài học sâu sắc trong phòng chống lụt bão tại địa phương.

Cũng theo ông Mai Thế Phụng trong phương án phòng chống lụt bão năm 2014 của thị xã nhấn mạnh đến việc thực hiện Luật phòng chống thiên tai. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của người dân đối với việc phòng chống thiên tai, tự giác chấp hành mệnh lệnh di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Rút kinh nghiệm nhiều năm khi vận động tuyên truyền nhưng ý thức người dân chưa cao nên nhiều hộ bất chấp nguy hiểm, vẫn ở lại nên năm nay, nếu trường hợp nào cố tình chống lại mệnh lệnh di dời thì sẽ cho lực lượng công an, dân quân ra cưỡng chế.

Mùa mưa 2014 tại Tây Nguyên đã bắt đầu. Những biến đổi thất thường của khí hậu, thời tiết trong những năm gần đây khiến công tác phòng chống lụt bão gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, thủy điện – một tác nhân được coi là ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của lũ lụt trong vùng vẫn chưa có những đánh giá đúng mức về tác động liên quan đến xả lũ. Bởi vậy, mặc dù chính quyền và người dân ở vùng rốn lũ Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động các biện pháp ứng phó, tuy nhiên, tại nhiều nơi, hiệu quả đến đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp./.