Theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, ngày 31/10, đại diện Bộ Y tế Việt Nam và Đại sứ quán đã chúc mừng 23 cán bộ y tế của Việt Nam tại lễ tốt nghiệp khóa học “Hệ thống quản lý chất lượng đối với các lãnh đạo phòng xét nghiệm”.

Khóa học 1 năm cấp thạc sỹ trang bị cho các quan chức y tế Việt Nam các kỹ năng và công cụ giúp tạo ra môi trường cho phép các phòng xét nghiệm hoạt động đạt chuẩn quốc tế. Điều đó giúp nâng cao tính hiệu quả và độ tin cậy của các kết quả xét nghiệm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh tại Việt Nam.

Tham dự buổi lễ tốt nghiệp có Phó Đại sứ Hoa Kỳ Claire Pierangelo, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên, các đại diện ban ngành Bộ Y tế cũng như của các Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC). Buổi lễ đánh dấu sự thành công của khóa học được tổ chức lần đầu tiên, và có khả năng sẽ được sử dụng như một chương trình kiểu mẫu để tăng cường hệ thống các phòng xét nghiệm tại các nước trên toàn thế giới.

Với trợ giúp tài chính từ Chương trình Cứu trợ AIDS Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) và trợ giúp kỹ thuật từ CDC, và do Viện Tiêu chuẩn Phòng xét nghiệm và Lâm sàng (CLSI) thực hiện, chương trình này đã trang bị cho các học viên các kỹ năng về xây dựng chính sách và quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng phòng xét nghiệm.

Dựa vào các tiêu chí về quản lý chất lượng của CLSI, chương trình cấp chứng chỉ này tập trung vào các lĩnh vực như: tổ chức sắp xếp thiết bị, cải tiến quy trình, quản lý thông tin, an toàn thiết bị, đánh giá nội bộ và đánh giá bên ngoài, và dịch vụ khách hàng – tất cả những tiêu chí cần thiết bảo đảm kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, cán bộ kỹ thuật cao cấp ở tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế 360 (FHI 360), học viên của chương trình phát biểu: “Chúng tôi đã học được rất nhiều từ khóa học này. Khóa học tập trung vào phát triển các kỹ năng trong các lĩnh vực cốt yếu nhằm tăng cường hệ thống phòng xét nghiệm tại Việt Nam như kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định và cải tiến chất lượng”.

“Đây là một cơ hội tuyệt vời để các cán bộ y tế trẻ được học các kiến thức mới trong một môi trường năng động và sáng tạo. Điều này giúp phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam tốt hơn và bền vững hơn – và giúp người dân Việt Nam sống khỏe và không bệnh tật”, ông nói thêm.

Thông qua PEPFAR và CDC, Chính phủ Hoa Kỳ là nhà tài trợ hàng đầu cho các hoạt động nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm tại Việt Nam, cam kết tài trợ hơn 7,5 triệu USD trong vòng 3 năm qua. Từ năm 1995, gần 75% trợ giúp phát triển của Hoa Kỳ cho Việt Nam là dành cho việc phát triển phúc lợi con người thông qua tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe./.