Trong khi đó, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vừa thông báo một kết quả nghiên cứu cho thấy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam đã kháng với một số hóa chất diệt côn trùng. Điều này dẫn đến mầm bệnh không dễ bị tiêu diệt và số người mắc sốt xuất huyết khó giảm. Nhân Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, làm rõ vấn đề này.

PV: Xin bà cho biết nguyên nhân dẫn đến việc muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam đã kháng với một số hóa chất diệt côn trùng thông thường?

TS Phạm Thị Khoa:Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này sinh sôi ở vùng có nguồn nước sạch, chủ yếu là tại thành phố, đô thị và vùng có bể chứa nước mưa, nước điều hoà. Trong nghiên cứu những năm gần đây chúng tôi thấy loài muỗi Aedes aegypti này đã kháng với các hoá chất.

Nguyên nhân là người dân, ngành y tế, nông nghiệp một số địa phương sử dụng hoá chất trôi nổi, kém chất lượng, liều lượng phun không đúng. Quá trình kháng thuốc diễn ra dần dần. Đầu tiên là muỗi tránh xa chỗ phun, sau đó da muỗi dày lên chống lại tính thấm của thuốc vào cơ thể, thậm chí muỗi sản sinh ra loại enzim có khả năng phân huỷ hoá chất thành chất không độc. Quá trình đó nếu kéo dài sẽ tạo ra thế hệ muỗi đột biến gen, gây trơ với thuốc.

Tại Hà Nội, muỗi Aedes aegypti tại các quận huyện như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Từ Liêm… đã  kháng với hoá chất thông thường.

PV:Việc muỗi kháng hoá chất  sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào và liệu có làm cho độc lực của loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tăng không, thưa bà?

TS Phạm Thị Khoa:Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy độc lực muỗi kháng hoá chất nhưng trong quá trình theo dõi nhiều năm, chúng tôi cũng thấy là trước đây sốt xuất huyết cũng không nặng như bây giờ.

Sốt xuất huyết mấy năm gần đây độc lực rất mạnh với 4 tuýp 1,2,3,4. Khi mắc tuýp 1 có thể miễn dịch với tuýp 1 nhưng không thể miễn dịch với tuýp 2,3,4. Điều nguy hiểm nữa là nếu mắc tuýp 1 rồi thì cơ thể sản sinh ra 1 loại kháng thể, mà khi người bệnh mắc tuýp 2 kháng thể đó lại làm tăng độc lực, gây “sốc” dẫn đến tử vong nhanh, nên những người bị mắc sốt xuất huyết lần 2, lần 3 thì phải đến bệnh viện ngay nếu không sẽ rất dễ gặp nguy hiểm. Hiện nay ngành y tế đang đi tìm nguyên nhân vì sao bị mắc sốt xuất huyết lần 2 trở lên lại hay bị “sốc” và tử vong đến vậy.

PV:Theo bà, hiện nay sử dụng hoá chất nào để phun diệt muỗi và người dân cần làm gì để đối  phó với bệnh sốt xuất huyết?

TS Phạm Thị Khoa:Hiện nay, Hội đồng hoá chất phòng chống sốt xuất huyết khuyến cáo 2 loại hoá chất để sử dụng trong phòng chống sốt xuất huyết. Thứ nhất là hoá chất có hoạt chất Deltamthrin > 2,5% Hantox-200 (3EW). Lưu ý là trên bao bì sản phẩm phải ghi “phun phòng chống muỗi Aedes aegypti- sốt xuất huyết” và phải phun đúng liều khuyến cáo. Thứ 2 là hoá chất Permethrin 50EC…

Điều đầu tiên trong phòng chống sốt xuất huyết là biện pháp phòng chống cá nhân. Tức là mỗi gia đình phải nhận thức được việc truyền bệnh của muỗi. Trong nhà nếu có lọ hoa, chậu cây cảnh, nước điều hoà chảy xuống đọng lại thuận lợi cho muỗi phát triển thì phải xử lý ngay; có thể cho chút muối vào lọ hoa thì muỗi không đẻ vào đó nữa. Bên cạnh đó úp tất cả các đỗ vật khi mưa xuống có thể đọng nước. Thứ 2 là dùng vợt điện diệt muỗi hoặc nếu có điều kiện thì dùng rèm chống muỗi tại cửa sổ, cửa ra vào… Còn khi đã có bệnh nhân sốt cao, đau đầu thì phải thông báo cho hệ thống phòng dịch ngay.

Vấn đề tiếp theo là việc xây dựng đô thị hiện nay tạo điều kiện cho muỗi truyền sốt xuất huyết phát triển vì tại công trường xây dựng thường xuyên phun nước để bảo dưỡng bê tông là nơi muỗi đẻ thường xuyên. Đó là một trong nguồn lây bệnh rất nguy hiểm vì khó quản lý. Trong ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết cần kêu gọi những doanh nghiệp xây dựng phun hoá chất phòng chống bệnh này.

PV:Xin cảm ơn bà./.