Chị Cao Thị Phú trú tại hẻm 506/49 Phan Đình Phùng, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum, hiện công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum. Nếu không nhờ sự giúp đỡ, cưu mang của chị Phú thì cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng của các cháu khuyết tật, trẻ mồ côi đến tuổi trưởng thành sẽ gặp phải không ít những bất trắc, khó khăn của cuộc sống.
Tỉnh Kon Tum hiện có trên 16.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Ở họ, mỗi con người với mỗi thân phận thật bi đát, đau thương. Mặc dù nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của xã hội, các nhà hảo tâm, của các mạnh thường quân, một bộ phận người khuyết tật đã vượt qua sống phận, vươn lên trong cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng; song vẫn còn nhiều thân phận ngặt nghèo, họ không thể tự đứng vững trên chiếc chân còn lại tong teo, đôi bàn tay biến dạng yếu ớt của mình để tiếp bước vào đời, mà rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, của xã hội. Qua thân phận nghiệt ngã của đời mình, hiểu và đồng cảm với những đau thương, mất mát của những người khuyết tật, chị Cao Thị Phú đã làm một công việc mà không phải ai cũng thực hiện được.
Những thân phận không may
Ngôi nhà cấp 3 được xây dựng bề thế, trình bày khá hợp lý của chị Cao Thị Phú tại phường Duy Tân, TP. Kon Tum có 9 đứa trẻ khuyết tật, trong đó 3 bé gái câm nên mọi cử chỉ, hành động đều được diễn giải, biểu thị bằng ánh mắt, đôi bàn tay; 6 đứa trẻ còn lại, cơ thể không được lành lặn như những người bị thường, có đứa trẻ đôi bàn tay bị biếng dạng hoàn toàn, chỉ còn vài ngón tay cử động; có đứa trẻ lê lết khắp nhà bằng hai bàn tay, còn đôi chân bị bại liệt từ nhỏ nên co quắp; có đứa trẻ lưng gù gập xuống như đầu gắn liền với bộ phận ngực và bụng… thật thương tâm! Những đứa trẻ với đôi chân còn lành lặn, lên xuống cầu thang dễ dàng, được chị Phú bố trí ngủ trên gác; những đứa trẻ còn lại ngủ chung trong 2 phòng, đồng thời chị giành hẳn phòng khách để các cháu may vá, dệt thổ cẩm tạo kế sinh nhai.
Một góc cơ sở may |
Y Ung sinh năm 1990, vóc người nhỏ thó trông như đứa trẻ lên 10, phải nhờ chiếc nạn em mới đứng vững trên chiếc chân tập tễnh còn lại của mình, song đôi mắt sáng lên nghị lực và niềm tin ở tương lai. Y Ung kể về số phận nghiệt ngã của đời mình: “Gia đình cháu ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Nghe bố mẹ kể lại, lúc cháu mới sinh thì lành lặn như những đứa trẻ khác trong làng. Khi bị ốm, cháu tiêm thuốc song cháu càng lớn thì chân càng teo tóp, khô đét trở lại nên không thể đi lại được nữa, mỗi khi tới tới tới trường thì nhờ bạn cùng làng cõng. Cháu nghe nói vùng Sa Bình, huyện Sa Thầy bị ảnh hưởng chất độc hóa học trong chiến tranh nhiều lắm nên cháu gánh chịu hậu quả chăng ? Đến năm 2003, trong một lần đi công tác tại huyện Sa Thầy, các cô, các chú và mẹ Phú thương cảm cho hoàn cảnh gia đình cháu nên đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum nuôi dưỡng, cho ăn học. Nếu không nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của các cô chú, các mẹ thì cuộc đời con không có được như ngày hôm nay”.
Y Hằng sinh năm 1992, quê xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, kể về thân phận và hoàn cảnh gia đình đầy bi thương: “Con không nhớ lại hồi nhỏ mình như thế nào, chỉ được nghe các cô, các chú ở làng kể lại, lúc cháu mới chập chững dò từng bước đi, không may ngã sấp vào đống tro đang nóng đỏ của bà con trong làng nên cháy mất đôi tay, chỉ còn cử động được 3 ngón. Năm 2004, trong một chuyến công tác tại xã, má Phú đã nhận cháu về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng. Cháu còn bố mẹ, nhưng bố của cháu bị ung thư gan nên mẹ cháu phải đi mót sắn, dọn cỏ cà phê hằng ngày, kiếm được đồng nào hay đồng đó để bồi dưỡng cho ba, rồi còn phải nuôi 5 đứa em nhỏ…”. Vừa kể chuyện với tôi, đôi mắt của Y Hằng cũng ngân ngấn nước mắt ! Y Hằng, Y Ung, Y Blít, Y Mơ Ni, Y Hoè… chỉ là trong hàng ngàn cảnh đời khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang được chị Cao Thị Phú cho sống chung trong một gia đình, giải quyết, tạo công ăn việc làm ổn định.
“Ăn mày” nuôi người dưng
Đôi tay của Y Hằng bị biến dạng hoàn toàn |
Chị Cao Thị Phú may mắn hơn những đứa trẻ khuyết tật. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễm Châu, tỉnh Nghệ An. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, năm 1971, mới bước vào tuổi 16, chị đã tự nguyện đăng ký thanh niên xung phong phục vụ cõng thương, tải đạn tại chiến trường B tỉnh Quảng Trị, thuộc tiểu đoàn 12, Đoàn 559.
Những năm tháng trong quân ngũ, nơi chị và đồng đội trú quân, địch đánh bom rải thảm, xác đồng đội bị đạn bom kẻ thù chà qua, xát lại không còn nguyên vẹn thân thể. Độc ác hơn, chúng dùng chất độc hoá học phủ kín cả vùng, chị và đồng đội như tắm chất độc hoá học, mắt mũi cay sè, cổ họng khô rát. Đến cuối năm 1973, sau khi được điều trị lành vết thương, cắt cơn sốt rừng tại các bệnh viện, chị được bác sĩ nói lên một sự thật đau lòng: Mình vĩnh viễn không còn thiên chức làm mẹ. Sau một thoáng bối rối, chị Phú vẫn tin ở lòng mình, mình vẫn còn may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, phải sống sao cho xứng đáng, không hổ thẹn với lương tâm. Năm 1979, chị vào công tác tại Xí nghiệp dược tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Đến năm 1994, chị chuyển sang công tác tại Trung tâm bảo trợ xã hội. Qua kết quả giám định pháp y, chị Phú bị ảnh hưởng đến 68% chất độc hoá học. Với số tiền dành dụm, chắt chiu hơn 30 năm công tác, chị Phú bàn bạc với chồng xây một ngôi nhà cho 9 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật đến ở.
Chị Phú nói bằng cả tấm lòng chân tình của mình: “Ban đầu mình cũng suy tư, trăn trở lắm, cả 10 đêm trằn trọc không ngủ được. Lo cho mình ít, mà lo các cháu nhiều hơn. Đưa cả 9 cháu về nhà ở thì lấy gì mà nuôi các cháu lâu dài, lấy gì cho các cháu ăn, rồi cả 9 đứa có sống với nhau hoà thuận, đoàn kết không. Nuôi một lúc cả 9 con người lành lặn còn khó khăn, nhưng cả 9 cháu đều khuyết tật thì lại càng vất vả, khó khăn chồng chất”. Đem những lo toan bàn với chồng, được anh Đường Quốc Chung gật đầu đồng ý ngay không một chút đắn đo, suy tính: “Vợ làm việc có ích cho đời, góp phần phần để lo cho nỗi lo của xã hội, tôi đồng ý”-anh Chung cho biết.
Mẹ của những đứa trẻ khuyết tật
“Thật lòng với chú, các cháu đã có công ăn việc làm ổn định từ sau tết đến nay, tôi mừng lắm. Vừa rồi tôi ký hợp đồng may 200 bộ đồ công nhân cho Công ty Cao su huyện Sa Thầy, rồi 100 bộ đồ công nhân cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Sa Thầy. Tôi cũng đang liên hệ, trao đổi may áo quần đồng phục cho một số trường… Hiện tại việc làm của các cháu khuyết tật không thiếu, tôi mừng lắm. Thật với chú, tôi cũng chưa giúp đỡ gì được cho những đứa con của anh Chung, nhưng tôi phải lo cho những đứa trẻ khuyết tật vì hoàn cảnh của chúng thương tâm lắm!” - trong ánh mắt đong đầy niềm vui của người mẹ, chị Phú tự hào kể cho tôi nghe.
Mẹ và những đứa con khuyết tật |
Tạo được cơ ngơi như thế này thì ban đầu gặp không ít khó khăn, vất vả, chị Phú trên chiếc xe máy “cà tàng” đi gần như các hang cùng, ngõ hẻm của các khu chợ, trung tâm thương mại để liên hệ, tìm nơi tiêu thụ quần áo do các cháu làm ra. Rồi lần lượt cô Tình tại chợ Duy Tân, phường Duy Tân nhận hàng; cô Thoa ở cầu treo Kon Klor, phường Thắng Lợi nhận lấy áo quần thổ cẩm; làng Plei Tơ Nhia, phường Quang Trung đặt mười mấy bộ áo thổ cẩm; thi thoảng một vài gia đình đặt túi xách thổ cẩm làm quà cho người thân… Rồi có những lúc các cháu nhức đầu, sổ mũi, chị Phú một tay phải gánh vác.
Chị Phú kể: “Có lúc 5 cháu sốt phát ban, tôi phải gọi xe Taxi để đưa cả 5 cháu nhập viện. Rồi túc trực cùng với mấy cháu suốt mấy ngày liền nhưng vẫn vui, vì mấy cháu là con của mình”. Đang trò chuyện với chị Phú, cháu y Hoè đem sổ tiết kiệm ra khoe: “Ngoài ăn tiêu, gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ, cháu đã gửi tiết kiệm được trên 1 triệu đồng. Cháu sẽ dành dụm, tích góp số tiền này để lo tương lai sau này của mình. Các bạn đang may áo quần, dệt thổ cẩm tại nhà cô Phú đều có sổ tiết kiệm riêng cả”. Còn cháu Y Ung - nói:”Cháu ở mãi với má Phú cho đến già thôi, cháu không về làng và cũng không đi đâu hết !”.
“Chị có thể cho tôi biết xuất phát từ những suy nghĩ “kỳ quặc” gì mà chị nhận cả một lúc 10 cháu về nuôi-tôi hỏi. “Tôi công tác ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum gần như cả cuộc đời của mình. Có những cháu bị dị tật đưa về trung tâm nuôi dưỡng, tôi đã tắm rữa, ôm ấp, đùm bọc như con của mình đứt ruột sinh ra. Thoáng chốc cháu đã đến tuổi trưởng thành, trung tâm không thể tiếp tục nuôi dưỡng các cháu, để các cháu về làng hoà nhập cộng đồng. Tôi thấy thương quá. Do vậy, tôi bàn bạc với chồng, rồi “làm liều” xin ý kiến của Giám đốc Trung tâm bảo trợ mở cơ sở dạy và làm nghề tự nguyện Cao Phú cho người khuyết tật từ năm 2009. Đến nay, chú thấy kết quả đạt được ban đầu rồi đó”- chị Phú không giấu giếm niềm vui. Ông Phạm Châu Tuệ - Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, cho biết: “Mỗi năm trung tâm có từ 5-7 cháu đến tuổi trưởng thành phải trở về hoà nhập cộng đồng. Các cháu có sức khoẻ, lành lặn thì hoà nhập cộng đồng còn dễ dàng, các cháu khuyết tật giải quyết vấn đề này thật nan giả. Nhờ có cơ sở của chị Phú đã giải quyết phần nào khó khăn cho trung tâm”.
Ao ước sau này của chị Phú là có điều kiện cơi nới một ngôi nhà tạm ở phía sau để tiếp tục nhận các cháu khuyết tật vào may vá, đan lưới đánh bắt cá, dệt thổ cẩm… Khi có điều kiện thuận lợi, chị Phú sẽ mua máy may công nghiệp trang bị cho các cháu khuyết tật để làm ra nhiều sản phẩm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chính bản thân các cháu. Đây cũng chính là tình cảm, trách nhiệm cao cả của người mẹ dành cho những đứa con thân yêu của mình ! Nếu bạn có tấm lòng hãy liên hệ số điện thoại: 060.3867038, Cơ sở dạy và làm nghề tự nguyện Cao Phú, hẻm 506/49 Phan Đình Phùng, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum./.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định tặng bằng khen cho chị Cao Thị Phú vì đã có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007-2010./. |