Sáng 20/8, cả 4 thuyền viên đã về nước an toàn sau khi được Cơ quan Dịch vụ Hải quân - Không quân (SENAN) Panama cứu giúp.

4 thuyền viên gồm: Lê Đức Chính (22 tuổi), Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (21 tuổi) và Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) đều ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Tại cuộc trao đổi với các phóng viên sau đó, các thuyền viên cho rằng mình bị chủ tàu quản chặt, bắt ăn những thức ăn chỉ đáng là mồi câu của cá ngừ; phải làm việc quá sức như nô lệ.

anh1.jpg
3 thuyền viên Hồ Thanh Tùng, Đào Ngọc Trung, Trần Văn Dương (từ phải sang trái) “Cuộc sống quá vất vả, kham khổ nên chúng tôi mới phải nhảy khỏi tàu để được về nhà”.

Nét mặt vẫn còn căng thẳng, khuôn mặt hốc hác vì phải vật lộn với sóng nước đại dương, anh Đào Ngọc Trung (1 trong 4 thuyền viên) cho biết: “Công việc, cuộc sống ở trên tàu Cheng Cheng Shipping quá vất vả. Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 17 - 18 tiếng. Đặc biệt, là khâu ăn uống ở trên tàu quá kham khổ… Có thể nói cuộc sống những ngày lang thang trên biển cả như cảnh nô lệ năm xưa. Cũng vì quá khổ nên khi tàu đi qua kênh đào Panama, chúng tôi lên kế hoạch và đã liều mình nhảy xuống biển rồi chủ động gọi cảnh sát biển Panama giải cứu”.

Anh Trung bảo, do cuộc sống ở quê quá khó khăn, đồng ruộng cũng thiếu nên đi nước ngoài để thử vận may. Sau khi xuất cảnh, anh được cử làm đầu bếp ở tàu cá Cheng cheng Shipping, còn người cháu là Trần Văn Dương được cử làm công nhân đánh cá, với mức lương ban đầu là 6,5 triệu đồng/tháng.

Trên tàu ngoài 4 thuyền viên người Việt Nam còn có 16 thuyền viên người Philippines, 1 thuyền viên người Indonesia, 4 người Trung Quốc gồm thuyền trưởng, máy trưởng, máy phó và cai tàu.

Công việc chính của các thuyền viên là đan câu, đánh bắt cá ngừ đại dương. Để có được sản lượng tối đa trong mỗi chuyến vươn khơi, chủ thuyền đều tận dụng hết khả năng, thời gian làm việc của công nhân trên tàu.

Ôm đứa con nhỏ trong tay anh Trung mới biết mình còn sống

Anh Trần Văn Dương chia sẻ: “Hàng ngày chúng tôi phải làm việc gần 18 tiếng và chỉ được ngủ khoảng 5-6 tiếng. Từ khi lên tàu cho tới nay đã 13 tháng lênh đênh trên biển và chẳng biết khi nào tàu sẽ cập bờ”.

Nói về chế độ ăn uống của các thuyền viên, anh Đào Ngọc Trung cho biết thêm: “Tôi là đầu bếp, nên hiểu và biết rõ về chế độ ăn uống của mọi người. Khổ lắm! Chỉ ăn cá làm mồi câu cá ngừ thôi. Quá khổ một thời gian dài, nên anh em trên tàu phải tự chế cần câu để kiếm đồ tươi ăn”.

Cũng theo lời kể của các thuyền viên, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, đầu tháng 8/2013 có một thuyền viên người Indonesia bị bệnh, chủ tàu đã quyết định ghé vào kênh đào Panama đưa người này lên chữa bệnh. Nhờ đó, 4 thuyền viên lên kế hoạch nhảy tàu, khi con tàu đi qua kênh đào Panama vào lúc 12 giờ đêm (giờ Panama) thì cùng ôm can, phao nhảy xuống và bơi bám lấy cọc tiêu phân luồng.

Thuyền viên Hồ Thanh Tùng

“Trời sáng, các thuyền viên thấy thuyền của cảnh sát biển Panama đi qua và đã báo hiệu để được cứu. Sau khi được cảnh sát biển Panama cứu, sáng 14/8, cả 4 thuyền viên Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Panama tiếp xúc, thu xếp chỗ ăn ở, và liên hệ để đưa về nước”, anh Trung cho biết.

Chị Lô Thị Hằng - vợ thuyền viên Đào Ngọc Trung ôm đứa con chưa đầy 8 tháng tuổi xúc động: “Gặp được chồng, tôi mới hết lo lắng. Từ ngày nhận được tin, tôi vô cùng hoang mang. Từ nay, ở nhà vợ chồng đói khổ có nhau chứ không để anh ấy đi  nữa”.

Chị Trần Thị Năm - vợ thuyền viên Hồ Thanh Tùng cho biết: “Anh ấy đi được 7 tháng, tôi ở nhà mới nhận được 4 tháng tiền tiền lương của chồng. Nghe tin anh ấy nhảy xuống biển mà lòng như lửa đốt. Giờ đây anh ấy lành lặn trở về, tôi mới an tâm”.

Hiện tại sức khỏe của các thuyền viên đã ổn định. Họ cũng cho biết rất mong sớm có thể liên hệ với đại diện của công ty đã đưa 4 thuyền viên sang làm việc để có thể trao đổi và đảm bảo quyền lợi cho người lao động./.