Vừa trở về từ “cõi chết” thuyền viên Trần Văn Dũng (SN 1991) vẫn chưa hết sợ hãi mỗi lần nhớ lại những tháng ngày lao động trên con thuyền và cuộc chạy trốn kỷ lục, kinh hoàng để thoát cuộc sống đau khổ, bị đày đọa.

anh-phe-2.jpg
Thuyền viên Trần Văn Dũng (bên phải) cùng mẹ 

Vốn lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xã Sơn Hải, (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nên Dũng không có điều kiện học hành tử tế. Năm học hết lớp 9, Dũng đã phải theo cha lênh đênh trên biển đánh cá mưu sinh. Cuộc sống khốn khó nên Dũng luôn muốn đi ra đâu đó để làm kiếm tiền phụ giúp cha.

Cuối năm 2012, nghe lời bạn bè, Dũng đã làm hồ sơ xin được đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) để mong được thoát nghèo và lo cho cha đỡ khổ. Sau khi làm xong hồ sơ, Dũng đã nạp chi phí hơn 17 triệu đồng để vào làm tại một tàu đánh bắt cá ngừ của Đài Loan (Trung Quốc) với thời hạn hợp đồng 2 năm, mức lương 400 USD/tháng. Trong đó, 50 USD chủ tàu giữ lại làm tiền ăn, còn 350 USD sẽ được gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, sau một thời gian lên tàu làm việc Dũng mới biết được những điều kiện làm việc không đúng với trong điều khoản của hợp đồng. Mỗi ngày Dũng phải làm việc khoảng 18 tiếng, thường xuyên bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh đập. Không chịu nổi cuộc sống như ở “địa ngục”,  Dũng đã phải bàn kế hoạch  cùng với 3 thuyền viên khác, liều mình nhảy xuống biển mong tìm được cơ hội may mắn.

Con tàu mà anh Dũng làm việc có tên Việt Nam là Hiệp Đại, trên tàu có 20 thuyền viên, trong đó 10 thuyền viên là người Việt Nam, 8 thuyền viên là người Indonesia, 2 thuyền viên là người Philippines. Làm việc dưới sự điều hành của 1 thuyền trưởng và 1 máy trưởng người Đài Loan. Hàng ngày các thuyền viên chỉ được ngủ từ 12 giờ trưa cho đến khoảng gần 18 giờ. Thời gian còn lại thuyền viên phải làm việc hết công suất nhằm đánh bắt được sản lượng tối đa nhất.

Vẫn còn sợ hãi sau những tháng ngày bị “hành hạ” Dũng chia sẻ: “Tháng đầu tiên khi lên tàu bọn em được phân công đan dàn câu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới được nghỉ. Sang tháng thứ 2 thì tàu bắt đầu đánh cá mọi người trên tàu phải làm việc suốt đêm. Ngoài giờ ăn, mỗi người chỉ được ngủ 5 tiếng, thời gian còn lại phải đánh cá. Đó là chưa kể khi giàn câu bị đứt thì không ai được ngủ nữa. Cứ đến giờ ăn xong bọn em phải tranh thủ ngủ ngay, làm việc suốt đêm nên ai cũng dễ ngủ lắm”.

Trần Văn Dũng kể lại những ngày làm việc cơ cực trên tàu

Theo Dũng ngoài sự bóc lột sức lao động. Các thuyền viên trên tàu còn thường xuyên bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh đập tàn nhẫn bằng các vật dụng như: cờ lê, búa. Có thuyền viên bị dội cả can dầu máy lên cơ thể. “Em sang khoảng được 3 tháng, không hiểu vì đã làm gì trái ý với thuyền trưởng nên bị ông ấy đánh hộc máu mồm và chảy máu mũi rất nhiều. Trên tàu có thuyền viên người Indonesia bị thuyền trưởng và máy trưởng dùng cờ lê và búa đánh gần một tiếng, thâm khắp mặt mũi và cơ thể. Có lần một người sau khi bị đánh, máy trưởng còn đổ cả can dầu máy lên cơ thể”. Anh Dũng nhìn xa xăm nhớ lại.

Sau những tháng này “sống dở chết dở”, Dũng đã họp bàn cùng với một số thủy thủ người Việt trên tàu và tiến hành “vượt ngục”. Ngày 3/8, sau khi tàu tiến vào gần bờ, cách bờ khoảng hơn 4 hải lý Dũng cùng 3 thuyền viên khác đã lợi dụng lúc sơ hở của thuyền trưởng, máy trưởng liều mình nhảy xuống biển tìm cơ hội giải thoát cho bản thân.

Mặc dù biết cơ hội sống sót rất mong manh, và nếu cuộc “vượt ngục” không thành công họ sẽ tiếp tục bị hành hạ dã man hơn gấp nhiều lần. Nhưng 4 thuyền viên vẫn đánh liều với số phận để trở về với tự do, với quê hương của mình.

Cùng bỏ trốn với Dũng còn 3 thuyền viên người Việt Nam khác, một người quê ở Qùy Châu (Nghệ An), một thuyền viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một người ở Nha Trang (Khánh Hòa). Sau khi được cảnh sát biển cứu, 4 thuyền viên được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) liên hệ và đưa về nước.

Bà Trần Thị Ngọc mẹ của anh Dũng quệt hàng nước mắt lăn dài trên má chia sẻ: “Nếu biết nó phải chịu khổ như thế thì tôi đã không cho nó đi. Ở nhà dù nghèo, mẹ con rau cháo nuôi nhau còn đỡ khổ hơn. Cũng là con người với nhau sao họ ác thế”.

Hiện tại, sau khi “vượt ngục” thành công, sức khỏe của anh Dũng đã dần ổn định và khỏe mạnh. Tuy nhiên những tháng ngày “kinh hoàng” phải sống trong cảnh đau đớn, khổ cực và cuộc chạy trốn vẫn còn in rõ và sẽ theo anh suốt cuộc đời này./.