Ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, làng nghề bánh in đậu xanh ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu làm bánh đón Tết. Năm nay, hàng bán chạy nên cận Tết làng nghề này càng thêm nhộn nhịp. Với người Duy Thành, làm bánh in vừa có thêm thu nhập, vừa là cách giữ nghề truyền thống.
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Tấn Chính, thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thuê 3 người làm mới kịp hoàn thành những đơn hàng dịp Tết Bính Thân. Tết này, gia đình ông sản xuất gần 30 tấn bánh in đậu xanh và các loại kẹo khác. Ông Chính cho biết, từ giữa tháng 10 âm lịch đến tận tháng Chạp, cả làng đều làm bánh.
Gói bánh in. |
Bà Hồ Thị Nhung, một trong những chủ sản xuất bánh in tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, làm bánh in không khó, song để có một chiếc bánh thơm ngon phải coi trọng từng công đoạn, từ việc chọn nếp, rang nếp, đến nhào bột, khuấy nước đường. Quan trọng nhất là khâu in bánh, làm thế nào để bánh in chặt, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn từ bàn tay người thợ.
Cũng theo bà Hồ Thị Nhung, để làm bánh cho ngon là mình phải rửa nếp cho sạch, mua nếp to hạt, sạch sẽ, đem rang. Rang cát cho nóng, cho nổi nếp lên là mới xốp, bột mới ngon được. Rồi phải sàn sảy cho sạch sẽ, sạch cát. Tuyệt đối mình phải làm bột nếp mới ngon được.
Bánh chất đầy nhà các gia đình. |
Ông Huỳnh Tấn Ánh, chủ cơ sở sản xuất bánh Lợi Phổ, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, bánh được đóng gói hoặc kết thành những mâm quả đầy màu sắc, rực rỡ, dâng cúng tổ tiên trong những ngày Tết đến xuân về.
"Trong dịp Tết, người ta mua sắm rất nhiều bánh in, bởi vì theo phong tục cổ truyền, họ mua bánh in, bánh đậu xanh về để thờ cúng ông bà, quà biếu" - - ông Huỳnh Tấn Ánh cho biết.
Cuối năm, tiếng gõ làm bánh càng khẩn trương, rộn vang ở làng quê An Lạc. Những mâm bánh in đầy màu sắc được nhiều gia đình đặt lên bàn thờ gia tiên làm cho không khí ngày xuân thêm ấm cúng./.