Từ sau Tết Táo Quân ngày 23 tháng Chạp không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán ở mỗi gia đình đã nhộn nhịp lắm rồi. Người lớn tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nhất là mâm cỗ Tết, cúng tất niên, giao thừa và cúng tân niên vào sớm đầu tiên của năm mới.

heo_dat_vov_5_ytld.jpg
Tết Kỷ Hợi rất đông người tìm về Bát Tràng mua lợn gốm sứ tiết kiệm về chơi Tết.

Đám trẻ thơ thì háo hức chờ đón năm mới được diện quần áo mới xúng xính, phong bao lì xì... Trong miền ký ức tuổi thơ của nhiều người, Tết đến không gì mong ngóng bằng món quà mẹ đi chợ Tết mua cho một con lợn đất nung vẫn còn “hăng hắc” tươi mới mùi sơn.

Những “cô, cậu” lợn mập mạp, trắng hồng, áo hoa xinh xắn khuôn mặt phúng phính bụ bẫm được nâng niu, chăm bẵm. Tất cả món tiền được mừng tuổi sẽ dành nuôi lợn. Trong năm, bao nhiêu xu hào tiền lẻ cũng sẽ được dành chăm bẵm vỗ béo lợn để sau kỳ nghỉ hè bước vào năm học mới mấy anh em cùng nhau mổ lợn mua sách vở, đồ dùng học tập. Tuổi thơ ngọt ngào đó vẫn còn theo mãi tới khi trưởng thành, nhớ về những con lợn đất ngày xưa ấy và thấm thía bài học đầy ý nghĩa mà mẹ đã dạy cho về tính tiết kiệm.

Tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo của rất nhiều người đã gắn với hình ảnh những chú lợn đất, gốm sứ đáng yêu.

Tết nay đã khác nhiều với những cái Tết của hàng chục năm trước, nhưng với nhiều gia đình, việc tìm mua cho con cái những chú lợn đất xinh xắn để đút tiền tiết kiệm vẫn là truyền thống không thay đổi. Ngày nay những chú lợn đất được sản xuất nhiều  hình dáng, kích cỡ màu sắc đa dạng hấp dẫn hơn trước.

Làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội nằm bên con sông Hồng, có lịch sử hình thành hàng trăm năm nay. Dân làng Bát Tràng truyền đời, các thế hệ nối tiếp nhau gắn bó với nghề gốm sứ thủ công. Người dân Bát Tràng chuyên sản xuất những sản phẩm gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng, màu sắc. Điều thú vị nhất khi đến các lò gốm ở Bát Tràng vào những ngày Tết đến là được chiêm ngưỡng những đôi bàn tay khéo léo của người thợ nhào nặn những con lợn gốm sứ rồi khoác cho chúng những "bộ cánh" tuyệt đẹp.

Lợn gốm sứ được người thợ sáng tạo với nhiều hình dáng khác nhau.

Ông Đặng Anh Minh, một người dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết:  “Với tôi, những chú lợn đất là cả một miền ký ức hạnh phúc của tuổi thơ. Cứ dịp Tết đến, sau ngày ông Công ông Táo, dù đi chơi chợ Tết ở bất kỳ đâu, năm nào tôi cũng phải ghé thăm Bát Tràng để được thăm, ngắm những con lợn gốm, sứ bụ bẫm, tươi sắc màu, xếp hàng ngay ngắn trong vô số sản phẩm của làng nghề mà không biết chán... và bao giờ tôi cũng chọn mua một con lợn đất để tặng cho các con, và đến giờ là cho những đứa cháu”.

Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng rất đa dạng, nhưng vào Tết thì không thể thiếu mặt hàng lợn tiết kiệm, sản phẩm này đến Tết là bán rất chạy.

Lợn vạn hoa được nhiều khách hàng đặt mua vì sản phẩm độc lạ.

Chủ cơ sở gốm sứ Dũng Hiền (Giang Cao, Bát Tràng) cho biết: “Năm nay là năm Kỷ Hợi nên rất nhiều nơi đặt hàng. Cơ sở của tôi đã cho ra lò hàng vạn chú lợn gốm sứ các loại”.

Quy trình để làm ra một sản phẩm lợn đất trải qua rất nhiều công đoạn và được làm thủ công. Đầu tiên người thợ làm hồ nhào nặn đất sét, sau đó đổ rót hồ ra khuôn chờ khô lấy sản phẩm ra đem phơi, nhúng men, vẽ, trau chuốt lại sản phẩm rồi đưa vào lò nung.

Người thợ gốm Bát Tràng có rất nhiều sáng tạo, kỳ công tìm tòi làm ra những sản phẩm có tính độc đáo, trang trí trong nhà hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng.

Một người lành nghề một ngày làm nhanh nhất cũng chỉ vẽ được chục con lợn hoa.

Cơ sở sản xuất gốm sứ Văn Giang lại đưa dòng lợn gốm sứ chuyên biệt khác với các mặt hàng lợn tiết kiệm thông thường. Những con lợn tiết kiệm ở đây  mang tên “lợn vạn hoa” bởi được người thợ kỳ công vẽ lên mình lợn muôn vàn loài hoa. Làm lợn vạn hoa, người thợ phải bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết để hoàn thành "chiếc áo hoa" cho chú lợn đất. Một người thợ thủ công lành nghề mỗi ngày cũng chỉ vẽ xong được hơn chục con. Có lẽ cũng chính vì vậy, sản phẩm lợn hoa có giá đắt hơn so với lớn gốm sứ thường. Một con lợn vạn hoa có giá từ 200.000 đến 250.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Giang (34 tuổi) - chủ cơ sở này cho hay, với lợn vạn hoa phải vẽ lâu hơn rất nhiều. Với những con lợn gốm thường, người thợ chỉ dấn màu, chỉ lưng, vẽ chữ phúc, lộc, tài hoặc vẽ bông hoa trên lưng, ngày có thể vẽ mấy chục con, nhưng vẽ lợn vạn hoa, một ngày chỉ được vài con vì phải vẽ kín hết thân lợn với nhiều kiểu dáng hoa theo ngẫu hứng của người thợ… ngày nào nhanh lắm thì vẽ được chục con.

Những con lợn sứ hồn nhiên, tròn trịa mang đến một cảm giác gần gũi, thiện lành, no ấm cho một năm mới. Mỗi năm một tết, tuổi thơ qua đi nhưng với nhiều người những con lợn sứ vẫn luôn là một người bạn gắn mãi với ký ức tuổi thơ ./.