Ngay giữa trung tâm TP HCM vẫn tồn tại một khu phố chợ kinh doanh, pha chế hóa chất lớn nhất miền Nam. Đó là khu phố chợ Kim Biên ở quận 5. Khu chợ này từng được ví như một "quả bom nổ chậm" khiến nhiều người lo lắng và lên tiếng, nhưng đến nay, việc di dời khu chợ này vẫn đang gặp không ít khó khăn. 

Sau vụ nổ tại quận 12 vào ngày 17/10 khiến 3 người chết, 5 người bị thương, nứt đổ sập hàng trăm căn nhà vài ngày, việc buôn bán hóa chất tại khu phố chợ Kim Biên, quận 5 có vẻ trầm lắng. Nguyên nhân là khi nghe ông chủ của doanh nghiệp Đặng Huỳnh khai nhận số hóa chất dùng sản xuất phân bón gây ra vụ nổ kinh hoàng được mua tại chợ Kim Biên, nhiều chủ cửa hàng tại đây đã dè dặt hơn. Việc vận chuyển, cất dấu, bày bán hóa chất không công khai như trước để đối phó sự kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng.

kim_bien_eszo.jpg
Chợ Kim Biên (Ảnh: internet)

Nhưng đến nay, việc buôn bán hóa chất tại khu phố chợ này đã trở lại nhộn nhịp như trước. Chỉ cần vào các con đường ở khu này như Kim Biên, Vạn Tượng, Tháp Mười... là dễ dàng nhìn thấy hàng chục cửa hàng nhỏ hẹp, nằm san sát, bày bán đủ chủng loại hóa chất chứa trong các thùng phuy, can nhựa. Hóa chất còn được sang chiết vào các túi, không nhãn mác, bày la liệt trên kệ để người mua dễ dàng lựa chọn.

Gần hai năm nay, Công an thành phố đã kiểm tra 74 cơ sở, doanh nghiệp ở khu này, đề nghị xử phạt 63 trường hợp với mức phạt đều trên 50 triệu trở lên. Vi phạm chủ yếu là doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh hóa chất, bảo quản không đúng quy cách, không có biện pháp ứng phó sự cố hóa chất. Nhưng với tất cả các vi phạm, ngành chứng năng chỉ có thể dừng nhắc nhở, phạt hành chính, chứ không thể khởi tố vì vướng một số quy định. Cho nên, một số doanh nghiệp vẫn tái phạm sau khi bị phạt. Thành phố đã có kế hoạch di dời khu phố chợ hóa chất Kim Biên nhưng các tiểu thương không đồng tình.

Bà Đàm Thị Kim Oanh, một tiểu thương tại đây cho biết: “Chúng tôi bán ở đây mấy chục năm rồi và có đóng góp rất lớn cho cái chợ Kim Biên.  Ở trong chợ chúng tôi chỉ bán hàng phụ gia thực phẩm chứ không bán hàng hóa chất công nghiệp nên chúng tôi không đồng ý di dời. Ở đây chúng tôi có bạn hàng ổn định di dời qua bên chợ khác thì  bán cho ai”.  Chợ Kim Biên được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1965, hiện nay, trong khuôn viên chợ Kim Biên có 17 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm, còn các tuyến phố xung quanh chợ tập trung hơn 100 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất.

Theo Luật phòng cháy chữa cháy, nhiều cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo an toàn cháy nổ và không còn khả năng cải tạo. Bà Trịnh Thị Phương Thảo, Phó phòng Y tế quận 5 cho biết: Mặc dù lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra nhưng tiểu thương vẫn tìm mọi cách đối phó với cơ quan chức năng để buôn bán chui các loại hóa chất, tiền chất có nguy cơ cháy nổ cao, hóa chất công nghiệp.

Bà Thảo cho biết thêm, Quận 5 vận động bà con vào trung tâm thương mại Đông Phương chuyên kinh doanh về hóa chất nhưng bà con không chịu di dời vì tiền thuê mặt bằng cao, thứ 2 là vị trí không thuận lợi như ở chợ Kim Biên. Ngoài ra bà con hiện đang rất hoài nghi về điều kiện ở chợ mới.Trước mắt, để đảm bảo an toàn, tránh sự cố đáng tiếc do cháy nổ xảy ra, việc thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên cần phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt là tăng cường kiểm tra đột xuất. Trong đó, rất cần sự chủ động phối hợp của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp, Sở Y tế và chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương với lực lượng Phòng cháy chữa cháy.

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM cho hay, qua việc kiểm tra định kỳ nhận thấy nguy cơ cháy nổ cao, hiện Cảnh sát PCCC đã tham mưu UBND rút giấy phép kiên quyết di dời giải tỏa để đảm bảo an toàn trong khu dân cư.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kiên quyết những vi phạm về an toàn cháy nổ tại khu phố chợ buôn bán hóa chất Kim Biên. Bên cạnh đó, về lâu dài, cần di dời khu buôn bán này đi nơi khác. Nếu không, nơi đây vẫn tiếp tục là một mối nguy hiểm, luôn đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân thành phố./.