Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giám sát hơn 25.000 mẫu gia cầm lấy tại 70 chợ thuộc 11 tỉnh, thành phía Bắc chưa phát hiện thấy virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam.

Cục Thú y cùng các cơ quan liên quan phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường giám sát virus cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm giáp biên, đồng thời nghiên cứu các chủng vi rút cúm trên các loại động vật khác. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, đến nay, 9 phòng thí nghiệm trên toàn quốc có khả năng chẩn đoán nhanh virus cúm A: H5N1, H7N9, với năng lực phân tích 400 mẫu cúm A/H7N9 mỗi ngày.

cho-gia-cam.jpg
Chợ buôn bán gia cầm ẩn chứa nguy cơ vi rút H5N1 và H7N9

Tuy chưa phát hiện virus cúm A H7N9 nhưng theo ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp về phòng chống dịch cúm gia cầm. Đặc biệt là Đề án 2088 của Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép phải thực hiện nghiêm. Đây là biện pháp quan trọng ngăn chặn các chủng virus xâm nhập nước ta, nhất là virus cúm A/H7N9.

Để tăng cường năng lực phòng chống cúm cho các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp 11,6  triệu liều vaccine Re6 cho các tỉnh gồm: Bắc Ninh, Nam Định, Lào Cai, Khánh Hòa, Tây Ninh, Thanh Hóa, thành phố Cần Thơ, Nghệ An, Trà Vinh, Phú Thọ, Hải Dương, Bến Tre và Bình Thuận phục vụ tiêm phòng cúm gia cầm, bao vây và dập dịch. Hiện, lượng vaccine dự phòng quốc gia còn 11,5 triệu liều vaccine Re6, gần 8 triệu liều Re5. Cục Thú y đang xây dựng và trình phương án nhập bổ sung vaccine Re6 khoảng 30 liều./.