Các địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin từ Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sự lưu hành các chủng virus cúm gia cầm trên địa bàn và hiệu lực các loại vaccine để tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả. Đó là thông tin được nêu lên tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều nay (18/3) tại Hà Nội.

chong-cum-gia-cam.jpg
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm họp đánh giá diễn biến dịch cúm

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy: Cả nước hiện còn 24 ổ dịch tại 14 tỉnh, thành phố gồm: Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tây Ninh, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Gia Lai, Hải Dương, Hưng Yên. Trong đó, 4 tỉnh, thành vừa phát sinh thêm 8 ổ dịch gồm: Bến Tre, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Thuận. Đến nay, tổng số gia cầm bị tiêu hủy khoảng 58.000 con.

Qua phân tích dịch tễ các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra từ đầu năm đến nay, chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh phía Nam với 2 nhánh virus đòi hỏi phải sử dụng các loại vaccine phòng bệnh khác nhau... Số vịt dương tính với virus H5N1 tại Tây Nam bộ và Đông Nam bộ chiếm đến hơn 61% số vịt mắc bệnh của cả nước.

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó trưởng phòng chăn nuôi gia súc nhỏ, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: các địa phương đang triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng có số ổ dịch qua 21 ngày tăng lên nhưng diễn biến dịch vẫn phức tạp, tiếp tục phát sinh các ổ dịch mới. Những vùng an toàn dịch có thể tái đàn và người dân chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong việc phát hiện sớm các ổ dịch để khoanh vùng xử lý kịp thời...

Ông Đỗ Văn Hoan nêu ý kiến: “Đến ngày 21/3 tới sẽ kết thúc Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nhưng thực tế vẫn xảy ra các ổ dịch mới. Như vậy, chúng ta cần đánh giá lại công tác triển khai trong "Tháng vệ sinh tiêu độc môi trường” để xem nguyên nhân vì sao phát sinh các ổ dịch mới, những địa phương tái phát dịch đã làm tốt vệ sinh tiêu độc khử trùng hay chưa. Vì thực tế nếu chúng ta làm một cách đồng bộ thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được dịch, và trên cơ sở này sẽ có căn cứ yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo chống dịch”.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, đến nay, đã có 390 trường hợp mắc virus H7N9 tại 15, tỉnh, thành phố ở Trung Quốc, với 121 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam chưa phát hiện loại virus này, vì vậy công tác phòng chống dịch vẫn đang tiếp tục được tập trung vào phòng chống và ứng phó.

Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, trong thời điểm hiện nay các địa phương cần thực hiện nghiêm Quyết định 2088 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, tập trung chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người./.