Hôm nay (10/8), các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc… tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 6.

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn đã làm cho hàng nghìn hécta lúa và hoa màu của tỉnh bị ngập úng, 30 hécta thủy hải sản bị thiệt hại nặng... Ước tính thiệt hại gần 40 tỷ đồng.
lua.jpg
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn đã làm cho hàng nghìn hécta lúa và hoa màu của tỉnh bị ngập úng (Ảnh minh họa)

Đặc biệt hôm qua (9/8), mưa lớn đã làm cho tuyến đê bối Hoa Tiên thuộc địa bàn xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn bị nước tràn qua. Hôm nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các công ty thủy lợi huy động nhân lực và vận hành tối đa công suất các máy bơm để tiêu thoát nước. Lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và đoàn thanh niên cũng được huy động cùng người dân đến gia cố bờ đê...

Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Trước mắt, chúng tôi tập trung khoanh vùng, riêng những cây lúa còn đang cứu được thì tập trung bơm, tát bằng mọi biện pháp tiêu úng cứu lúa. Thứ hai đối với diện tích hoa màu, khi nước rút, chúng tôi cho chuyển ngay sang giống ngắn và rau màu của vụ đông các loại. Còn đối với diện tích thủy hải sản cũng cho khoanh vùng nơi cao bằng cách quây lưới, dọn vệ sinh để khắc phục lại những ao nuôi cá của nông dân. Đồng thời chỉ đạo công ty điện lực Ninh Bình đảm bảo cung ứng cấp điện đầy đủ phục vụ cho công tác chống lụt. Những ngày này, toàn tỉnh đang tập trung cứu lúa, cứu hoa màu và giúp nhân dân khắc phục tuyến đê mà hiện nay có một số điểm bị tràn và vỡ”.Tại Vĩnh Phúc, hàng trăm mét đê, hàng chục công trình giao thông và gần 6.000 hécta lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại do hoàn lưu bão số 6. Các địa phương bị nặng là Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường…

Để đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày mưa, lũ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo công an phân luồng giao thông, huy động lực lượng bộ đội đến ứng cứu các tuyến đê nội đồng xung yếu, đồng thời yêu cầu các huyện khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Sinh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: “Đến thời điểm này, lực lượng quân đội cũng thường trực 100% đảm bảo trên dưới 1.000 quân. Bên cạnh đó, ngoài vật tư của địa phương, chúng tôi đã huy động của tỉnh hàng vạn bao tải, rọ thép và hàng nghìn cọc tre. Để chống úng nội đồng chúng tôi đã chỉ đạo cho  xả nước ở 3 hồ là Xạ Hương, Thanh Lanh, Đại Lải. Lưu lượng xả từ 10 - 50 m3/s. Đến giờ này, công tác chống úng cơ bản đã đảm bảo và đã cứu được trên dưới 5.000 hécta lúa./.