Tại các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, yêu cầu ngư dân di dời không ở lại trên tàu thuyền và lán bè nuôi trồng thủy sản, đồng thời triển khai phương án sẵn sàng sơ tán dân sinh sống khu vực nguy hiểm, sát mép nước khi có lệnh.
Nghệ An không phải là tâm bão số 6 nhưng đến chiều 7/8, việc phòng, chống bão đang được tích cực triển khai. Hơn 4.000 tàu cá với gần 19.000 lao động đã vào bờ trú ẩn an toàn, người dân vùng ven biển đang chằng chéo nhà cửa, tháo dỡ các biển quảng cáo, sẵn sàng đối phó với các tình huống bất thường xảy ra.
Cột sóng cao 7 -8 mét tại Đồ Sơn - Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN) |
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, chiều 7/8, 1 tàu cá mang số hiệu NA-93044TS do ông Trương Văn Thức cùng 12 thuyền viên đang trên đường di chuyển về bờ tránh trú bão thì bị chết máy. Nhận được tin báo, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã điều động 1 tàu ra ứng cứu, tuy nhiên do sóng to gió lớn nên vẫn không thể tiếp cận được tàu bị nạn.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An thông tin thêm: Hiện nay, Ban chỉ huy PCLB tỉnh vẫn đang chủ động hướng dẫn bà con neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho tàu và người không để người ở lại trên tàu. Theo dự báo, miền núi ở Nghệ An có khả năng xảy ra mưa to, vì vậy Ban chỉ huy đã thông báo đến các địa phương và người dân để chủ động phòng tránh.
Cũng trong tối 7/8, Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này, do sóng to gió lớn các lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận được tàu cá của ông Phạm Kỷ, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh bị nạn ở vùng biển phía Nam đảo Sơn Dương.
Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có phương án giúp đỡ tỉnh trong công tác cứu hộ tàu cá nói trên.
“Thời tiết càng về đêm sóng càng nhiều, công tác cứu hộ cứu nạn rất khó khăn. Hiện có tàu cùng 3 ngư dân của huyện Kỳ Anh chưa có tín hiệu, toàn bộ lực lượng cứu hộ cứu nạn của Hà Tĩnh đang tập trung cùng với gia đình tìm kiếm. Tại khu vực giữa đảo Ngư và đảo Én, bộ đội biên phòng đã tiếp cận và liên lạc được với 12 ngư dân nhưng do sóng to, Bộ chỉ huy đã điện chỉ đạo trực tiếp bằng mọi cách tiếp cận cứu hộ cứu nạn an toàn”, Thượng tá Võ Trọng Hải nói.
Tại Hải Phòng, chiều 7/8 đã có mưa rất to ở nhiều địa phương. Tại khu vực quận Đồ Sơn đã xuất hiện nhiều cột sóng cao từ 7-8m gây ngập úng cho một số tuyến đường chính trên địa bàn quận.
Vì tò mò nên rất nhiều du khách, người dân ra khu vực đê biển chụp ảnh sóng nên đã xảy ra trường hợp người dân bị sóng biển cuốn trôi. Nạn nhân là Phạm Thanh Sơn, phường Đằng Giang, Quận Ngô Quyền. Các nhà dân và những cơ sở kinh doanh du lịch ở quận Đồ Sơn đã có những biện pháp chống đỡ cơn bão này như: Dùng các bao cát, dây thừng chằng chống và giữ cho cửa đỡ va đập… Thành phố Hải Phòng đã có lệnh cấm các hoạt động liên quan du lịch, giải trí trên biển đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.
“Cơn bão số 6 đã vào Đồ Sơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống kè biển cũng như các công trình du lịch phục vụ cho Năm du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng. Trước tình hình như này, chúng tôi đã tập trung huy động các lực lượng bao gồm lực lượng vũ trang Trung đoàn 50 và lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân ở các phường tổ chức đưa đá vào trong rọ với số lượng trên 500 rọ đá để làm thành kè tạm thời ngăn nước biển dâng”, ông Đinh Duy Sinh, Bí thư quận ủy Đồ Sơn cho biết.
Chiều 7/8, gần 10.600 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản và gần 500 tàu du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã về nơi tránh trú bão an toàn, không có tàu nào được phép ra khơi cho tới khi thời tiết ổn định.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai phương án phòng, chống lụt bão, chủ động khơi thông hệ thống thoát nước tránh gây sạt lở bùn, đá, ngập lụt xuống các khu dân cư.
Cho đến đêm qua và rạng sáng nay (8/8), lực lượng phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn các địa phương ven biển miền Bắc và 2 tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình, nơi tâm bão số 6 đổ bộ đang khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão.
Lúc 20 giờ tối 7/8, sau khi đổ bộ vào đất liền với tâm bão đi vào giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình bão số 6 kèm mưa lớn, gây nhiều thiệt hại ở các địa phương khi bão đi qua.
Lúc 19 giờ tối, 1 sà lan đang thi công nạo vét các công trình biển tại Nhà máy Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia đã bị đứt dây neo và trôi dạt vào vùng biển Nghệ An. Do trời tối, sóng biển lớn hiện lực lượng biên phòng tuyến biển Thanh Hóa – Nghệ An đang giữ liên lạc với 3 thủy thủ trên sà lan chờ thời tiết nguy hiểm qua đi để ứng cứu.
Nhiều địa phương tại tỉnh Thanh Hóa đã bị mất điện trên diện rộng khi bão đổ bộ. Hai huyện ven biển Hậu Lộc và Nga Sơn là nơi tâm bão đi qua có mưa to đến rất to, gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10; lượng mưa từ 40mm đến 70mm. Sóng biển cao từ 3 đến 4 mét…
“Ở xã Ngư Lộc có một số nhà dân bị tốc mái, khu chế biến ở cảng cá Hậu Lộc bị tốc mái tôn. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo toàn bộ thiệt hại ở tuyến biển. Chỉ đạo các cán bộ ứng trực tại những điểm xung yếu phát hiện sớm sự cố. Đồng thời chỉ đạo công an kiểm soát trên đường khắc phục cây cối đổ gẫy trong bão không để ách tắc trên đường phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn kịp thời”, ông Nguyễn Quan Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết.
Bão số 6 kèm mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngay trong đêm, các lực lượng phòng chống lụt bão đã có mặt tại các điểm xung yếu triển khai “4 tại chỗ” đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân.
Ông Vũ Nam Tiến, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, các lều và nhà nuôi trồng thủy sản chắc chắn là bị tốc mái do gió mạnh. Trên địa bàn huyện, đến 21 giờ tối 7/8 bị mất điện cục bộ. Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên liên lạc qua điện thoại nắm bắt thông tin tại các trạm chốt của lực lượng biên phòng tuyến biển. Tổ chức tuần tra trên hệ thống đê Bình Minh 2 cấm toàn bộ các phương tiện của dân quay trở lại các tròi nuôi trồng thủy sản.
Bão số 6 gây mưa lớn, ngập TP Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN) |
Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cho biết, đêm qua, tàu cứu hộ của lực lượng biên phòng Hà Tĩnh đã tiếp cận được tàu cá của Nghệ An mang số hiệu NA-93044 TS, công suất 280 mã lực do ông Trương Văn Thức cùng 12 thuyền viên đang trên đường di chuyển về bờ tránh trú bão thì bị chết máy. Tàu cá đã được neo đậu với tàu cứu hộ chờ thời tiết thuận lợi để lai dắt vào bờ.
“Chúng tôi đã tiếp cận được tàu nhưng do sóng lớn nên chỉ neo và kẹp tàu của ngư dân bên mạn tàu cứu hộ. Toàn bộ ngư dân trên tàu gặp nạn đều an toàn”, Thượng tá Võ Trọng Hải cho biết.
Rạng sáng 8/8, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKT thủy văn Trung ương lưu ý, các tỉnh ven biển phía Nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa đề phòng gió mạnh cấp 8, cấp 9 có nơi giật cấp 10 trước khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong hôm nay và ngày mai, ở Bắc bộ và 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An hoàn lưu bão số 6 kết hợp với gió Đông Nam sẽ gây mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến xấp xỉ 100mm đến 200mm. Cần đề phòng tình trạng ngập úng ở khu vực đồng bằng, vùng miền núi có khả năng xảy ra lũ quét.