Nhận định bão số 2 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng của bão đã chủ động các phương án kêu gọi tàu thuyền, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sẵn sàng ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóacó 7.266 phương tiện với 25.683 lao động hoạt động nghề cá. Đến sáng 18/7, có 158 phương tiện với 554 lao động đã về tránh trú bão an toàn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nghiêm cấm các tàu thuyền trên địa bàn ra khơi; tổ chức kiểm tra các công trình hồ đập, hồ chứa để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; kiểm tra hệ thống đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dang dở..; chuẩn bị lực lượng, vật tư và các trang thiết bị sẵn sàng hộ đê khi sự cố xảy ra.

tau_thuyen_1_qkby.jpgTàu thuyền được tập kết vào nơi an toàn, phòng tránh bão (Ảnh minh họa)

Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh bố trí phương tiện, máy móc, vật tư dự phòng trên các tuyến đường để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của bão số 2. Lực lượng biên phòng tổ chức trực 100% quân số sẵn sàng các phương án đối phó với bão.

Đại tá Lê Thanh Quyền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Thanh Hóa, Chánh văn phòng Ban Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện tại chúng tôi huy động 100% quân số để tập trung chống bão. Hiện tại tất cả các đồn Biên phòng trên biển chúng tôi đã cử các lực lượng xuống từng thôn, xã vận động bà con, hướng dẫn ngư dân chằng chống nhà cửa, sắp xếp các tàu thuyền, nắm tình hình thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

*** Đến thời điểm này, 3.737 tàu thuyền của tỉnh Hà Tĩnhđã nắm được thông tin về bão và cơ bản về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức kiểm tra các công trình hồ, đập trọng điểm để có phương án đảm bảo an toàn trước bão; giúp đỡ nhân dân sơ tán, chằng chống nhà cửa, trường học, trạm y tế... để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra; kiểm tra, rà soát các hộ dân ở các vùng xung yếu để sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu công trình trọng điểm, các công trình đang xây dựng dang dở.

Ông Trần Đức Thình, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: “Nếu bão cấp 8, cấp 9 giao các huyện ven biển chuẩn bị các phương án di tán dân. Các chủ công trình triển khai kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản, các công trình trọng điểm nào có nguy cơ thì phải có phương án phòng chống. Kiểm tra tất cả các công trình hồ đập có nguy cơ mất an toàn để cảnh báo và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập. Sơ tán người dân ở các lồng bè, chòi canh, có kế hoạch đảm bảo neo giằng các lồng bè để đảm bảo an toàn cho các lồng bè”.

*** Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cũng vừa Công điện gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các ban, ngành thành viên chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các địa phương tập trung vào tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu xảy ra; thực hiện vận hành điều tiết hồ chứa nước đúng quy định, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kịp thời tổ chức kiểm tra, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra...

Đến nay, vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 tại Sơn La được xác định chủ yếu tại các huyện phía Đông Bắc và phía Nam của tỉnh là: Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ và Mộc Châu. Các địa phương này hiện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó./.