Đến chiều nay, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền, thông báo và hướng dẫn cho hơn 32.000 phương tiện biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 38 phương tiện và khu vực quần đảo Trường Sa có hơn 1.000 phương tiện, khu vực khác và neo đậu tại bến có 31.681 phương tiện.

Hiện, Bộ Quốc phòng chuẩn bị hàng nghìn người và các phương tiện sẵn sàng cứu hộ nhân dân nếu tình huống xấu có thể xảy ra.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu Bộ đội Biên phòng các địa phương tiếp tục thông tin, kêu gọi tàu thuyền và yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Các địa phương tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; tuyệt đối không để người trên tàu, lồng bè, các chòi canh thủy sản khi bão đổ bộ.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực bị ngập, tàn qua suối, bến đò ngang, nghiêm cấm việc vớt củi trong mưa lũ.

Các Bộ, ban, ngành, địa phương chỉ đạo kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều,  công trình đang thi công, các hồ vận hành xả nước theo quy định đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả cắt lũ, hạn chế thiệt hại vùng hạ du.

Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Bộ Giao thông Vận tải lưu ý thông báo các tàu không đi qua vùng ảnh hưởng cơn bão. Thông tin các địa phương sẵn sàng đối phó, chỉ đạo sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Các tỉnh vùng cao đề phòng mưa lũ, khẩn trương thu hoạch nốt các diện tích nông nghiệp còn lại và có biện pháp bảo vệ cây trồng vụ đông.

Tập đoàn Điện lực cần có kế hoạch điều tiết nước, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương không để người dân bị động khi ngập lụt./.