Một công trình nghiên cứu nghiêm túc của một Giáo sư nước ngoài đã chứng minh rằng, càng hút thuốc lá thì “thằng nhỏ” của các quý ông càng bé đi. Tôi đem tờ báo đến cho một ông thâm niên 30 năm nghiện thuốc xem. Ông này đọc hết rồi cười khẩy, chìa tờ báo trả lại tôi ra vẻ dửng dưng, nói “chưa gì chú đã lo”. Nói cứng vậy, nhưng quan sát nét mặt, thấy ông cũng  thoáng chút ưu tư như đang cố nhớ lại một cái gì từ quá khứ.  

Hàng ngày ông ấy mân mê bao thuốc lá có dòng chữ “Hút thuốc gây ung thư phổi” mà chẳng bộc lộ chút cảm xúc gì. Đến bận trên bao thuốc in hình bộ răng lởm chởm, ám khói, lá phổi đen xì và cái đầu lâu gớm ghiếc thì ông ấy phì cười. Nhưng khi khẳng định “của quý” sẽ hao đi theo từng điếu thuốc thì ông ấy lo thật. Có lẽ ông ấy lo cho “đối tác” nhiều hơn cho bản thân?

Nhiều khi truyền thông “đánh” trực diện vào đối tượng chẳng nhằm nhò gì trong khi chỉ cần khẳng định việc làm của anh sẽ ảnh hưởng đến người thân yêu lại được việc.

Trước đây, chưa có hố xí tự hoại, quê dùng loại hai ngăn, thành phố dùng hố xí thùng, lại còn dùng chung nữa. Khỏi nói mọi người cũng biết mùi của nó thế nào. Mùi thế nên bọn trẻ có “sáng kiến” dùng ngón trỏ và ngón cái bịt chặt mũi lại, há mồm ra thở. Một hôm thầy giáo giảng, khi hô hấp, mũi  giúp lọc khí độc, bụi bẩn…, mồm chỉ để ăn. Từ bữa ấy, vào nhà xí, bọn trẻ bịt mồm thay vì bịt mũi.  

Bây giờ mùi khó chịu giảm đi nhiều vì có tự hoại. Thế nhưng vẫn có ông cầm theo điếu thuốc vào rít lấy rít để, phun khói mù mịt với hy vọng xua tan uế khí. Cũng là một dạng bịt mũi há mồm ra thở. Ông này chắc chưa kịp chết vì thối thì đã ngoẻo vì khói.  

Hút thuốc là một thói quen. Thói quen nhiều khi vô thức. Khi ý thức được đầy đủ, một số người sẽ thay đổi hành vi.

Một hôm tôi đang làm việc với hiệu trưởng một trường đại học ở miền Trung thì có tiếng gõ cửa. Một thầy giáo bước vào, trên tay cầm tờ 50.000 đồng, nói “Thưa hiệu trưởng, em nộp phạt vì vừa hút thuốc và chuẩn bị hút thuốc nơi công cộng”. Ông hiệu trưởng tròn mắt rồi bất chợt cười khà khà, nói “Mi nộp tau, tau biết nộp mô!”.

Việc ấy diễn ra năm ngoái, khi Chỉ thị cấm hút thuốc nơi công cộng của Thủ tướng có hiệu lực. Khái niệm công cộng là khu vực nào, ai phạt, nộp phạt cho ai… hình như chưa rõ nên cái quyết tâm chính trị của chính phủ về cấm hút thuốc cũng đành… để đó.

Hạn chế hút thuốc nơi công cộng nên tiếp cận và tác động ở khu vực cung hay cầu cũng là một vấn đề mà Dự thảo Luật phòng chống tác hại thuốc lá đang xem xét.

Còn nhớ thời bao cấp, miền Bắc có thuốc lá Điện Biên, Thủ Đô…; trong Nam có Mai, Đà Lạt… Hồi đó nhiều người tiện chuyến vào Nam cũng cố vác theo vài cân thuốc lá sợi Lạng Sơn vàng óng bán kiếm lời. Trên đường, nhân viên thuế và quản lý thị trường lục soát thấy là bị tịch thu sạch. Nhiều người bị phát hiện, mất hết, xót lắm! Thế nhưng chẳng hiểu sao, từ mọi nẻo đường, thuốc lá sợi Lạng Sơn vẫn cứ hiện diện ở mọi ngõ ngách. Nhờ đó mà phong trào quấn thuốc lá sợi để thêm thu nhập trong cán bộ, công nhân, viên chức ở thập kỷ 80 sôi nổi chưa từng thấy.

Ngày nay, một quy luật cơ bản của kinh tế thị trường là có cầu ắt có cung. Do đó chặn cung chỉ là biện pháp hỗ trợ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có những chế tài mạnh mẽ, nhằm hạn chế nhu cầu, hiệu quả hơn là đưa ra các biện pháp ngăn chặn sản xuất và cung ứng thuốc lá. Dĩ nhiên không quốc gia nào khuyến khích mở rộng sản xuất trong lĩnh vực này./.