Ngày 15/6 thai nhi gần 8 tháng tuổi, con của sản phụ Phạm Thị Hồng Xuân, 36 tuổi, trú tại Gia Lộc, Hải Dương đã tử vong tại bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Trao đổi với PV VOV, TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận sự thiếu quan tâm của nhân viên y tế trong việc tư vấn, chăm sóc bệnh nhân.
Gia đình đau buồn mang em bé về quê mai táng (Ảnh: Dân trí)
PV: Trong những ngày qua, báo chí đã thông tin về trường hợp thai nhi 32 tuần tuổi, con của sản phụ Phạm Thị Hồng Xuân tử vong tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Vậy ông giải thích sao về trường hợp này?
TS. Vũ Bá Quyết: Đây là một sự việc đáng tiếc. Với tư cách là Giám đốc bệnh viện, tôi đã đến gặp gia đình sản phụ Xuân để chia sẻ, động viên vợ chồng hiểu được bệnh lý của mình.
Sản phụ Xuân vào viện ngày 12/6 khi có thai gần 32 tuần tuổi. Khi vào viện, chị được Phó Giáo sư Trần Danh Cường, Trưởng khoa Sản 1, khoa Sản bệnh lý, người có nhiều kinh nghiệm về sản bệnh lý và siêu âm, trực tiếp thăm khám, tư vấn. Với những xét nghiệm như siêu âm, monitoring sản khoa, phát hiện thấy tim thai hoàn toàn bình thường.
Vì có rau tiền đạo nên sản phụ được yêu cầu nhập viện nhằm giữ cho thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là một trường hợp không may mắn. Sau 3 ngày điều trị, siêu âm monitoring thì thấy không có tim thai, sau khi mổ thì phát hiện dây rau thai bám màng. Theo y văn thì có 5% những trường hợp dây rau thai bám màng như vậy, dẫn đến các bệnh lý như chèn ép, xoắn vặn, gây vỡ chảy máu và làm cho ngừng tuần hoàn rau thai.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp sản phụ bị rau tiền đạo thì không khó xử lý với bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện phụ sản Trung ương. Vậy về phía bệnh viện thì đã làm đúng quy trình chuyên môn trong chăm sóc, theo dõi và điều trị hay chưa?
TS. Vũ Bá Quyết: Sản phụ Xuân vào viện khi thai đã được 31 tuần 4 ngày, các bác sĩ đã tư vấn là chị có nguy cơ đẻ non, con khó nuôi. Ban đầu, mục đích chị Xuân đến bệnh viện là để giữ thai đủ tháng, khi đẻ đứa trẻ sẽ được khỏe mạnh. Thêm vào đó, việc chị Xuân bị rau tiền đạo thì có thể bị chảy máu cấp độ 1 bất cứ lúc nào, nguy hiểm tính mạng.
Chế độ điều trị cho sản phụ bao gồm một ngày làm monitoring 2 lần. Ngày thứ 7, khi các bác sĩ kiểm tra thì thấy thai bình thường. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra ngày Chủ nhật thì mất tim thai đột ngột. Đây là một trường hợp không may đối với ngành y cũng như gia đình chị Xuân.
PV: Gia đình chị Xuân và nhiều bệnh nhân tại bệnh viện có phàn nàn về thái độ tắc trách thờ ơ ít quan tâm của nhân viên y tế đối với người bệnh. Hơn nữa trong những ngày nghỉ họ nói là rất khó gặp bác sĩ để thông tin về tình hình bệnh tật. Vậy qua vụ việc này, lãnh đạo bệnh viện có chấn chỉnh lại lề lối, thái độ của nhân viên của mình ra sao?
TS. Vũ Bá Quyết: Tôi đã xem lại quy trình, cả ngày nghỉ, bệnh viện cũng đều có bác sĩ trực 24/24 ở khoa sản, cộng thêm 10 nhân viên y tế hỗ trợ. Mặc dù bệnh nhân báo ra máu đã được monitoring 2 lần, thấy tim thai bình thường; còn rau tiền đạo thì quy định là cấm không được thăm khám.
Khi chị Xuân báo ra máu, các bác sĩ đã kiểm tra thì thấy tim thai bình thường, monitoring thấy tim thai bình thường, đúng phác đồ theo dõi. Nhưng vì bệnh nhân rất đông, mỗi ngày bệnh viện đều quá tải, Khoa Sản 1 có 66 giường lúc nào cũng gần 200 bệnh nhân. Nhân viên không đủ thời gian để chăm sóc, chưa quan tâm đúng mức tới việc tư vấn cho người bệnh. Do vậy đã dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Qua đây tôi thấy rằng bệnh viện cần công tác tư vấn, giải thích kỹ hơn, sâu hơn nữa, dành nhiều thời gian hơn để bệnh nhân và gia đình bệnh nhân hiểu rõ bệnh tình.
PV: Cụ thể, qua trường hợp của gia đình chị Xuân, bệnh viện có hình thức kỷ luật ra sao đối với những nhân viên y tế tắc trách cũng như bác sĩ có phát ngôn không đúng mực?
TS. Vũ Bá Quyết: Sau sự việc trên, bệnh viện đã ngay lập tức họp bàn để rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng khắc phục.
Theo đó, lãnh đạo bệnh viện nhận thấy rằng, những nhân viên y tế cần dành nhiều thời gian hơn nữa để tư vấn cho bệnh nhân. Hiện nay, do bệnh nhân quá đông nên các y bác sĩ thường quá chú tâm vào việc chữa bệnh, dành ít thời gian tư vấn cho bệnh nhân.
Tôi đã phê bình và nhắc nhở, chấn chỉnh lại các nhân viên để có lề lối làm việc. Tuy nhiên tôi cũng mong bệnh nhân chia sẻ với chúng tôi về vấn đề cơ sở vật chất của bệnh viện hiện nay vô cùng chật hẹp, bệnh nhân quá đông. Là bệnh viện tuyến TW, chúng tôi luôn phải đảm nhận các qua đẻ khó từ địa phương gửi về, do vậy chúng tôi cũng chưa quan tâm đúng mực đối với những bệnh nhân cần được giải thích, tư vấn.
Chúng tôi đã chấn chỉnh lại về thái độ và yêu cầu các bác sĩ khác dành nhiều công sức hơn nữa trong việc quản lý, không chỉ về chuyên môn mà còn về tư vấn, tuyên truyền.
Rõ ràng các bệnh viện tuyến trên hiện nay đều đang quá tải trầm trọng. Tuy nhiên không phải vì quá tải mà các nhân viên y tế lại vô cảm, tắc trách với người bệnh, thậm chí gây nên những mất mát vĩnh viễn cho bệnh nhân và gia đình./.