Tôi tìm tới chợ Tràm Chim ở thị trấn Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp), nơi có ông già ăn xin Nguyễn Văn Cưng, 86 tuổi, vừa bị cướp 25 lượng vàng 24K giấu trong người, hôm 21/12.

Câu chuyện ly kỳ vẫn còn nóng đồn thổi, thôi thì đủ thứ thêu dệt trong lúc cụ đã về xã Tân Thành B (Tân Hồng, Đồng Tháp) tuốt gần biên giới với Campuchia.

Phải nhờ mấy lượt công an chỉ mới qua nổi chặng đường rất dài, rồi lại quẹo vào con đường lòng vòng mấy cây số thì tới một căn nhà sàn có sân rộng, trống trải, giữa bốn bề đồng ruộng. Một phụ nữ trung niên đang ngồi nhìn ra.

437504_400.jpg
Ông Cưng trình giấy của Công an huyện Tam Nông

Tôi hỏi thăm, người phụ nữ gật đầu, đưa tay chỉ ông lão nằm cuộn người trên chiếc võng vải treo bên: “Ổng đang nằm kia kìa. Anh cứ hỏi từ từ, ổng sẽ nhớ và kể lại cho nghe”. Ông già lồm cồm ngồi dậy, xác nhận mình tên họ là Nguyễn Văn Cưng, 86 tuổi. Tôi nhìn lướt nhanh, ông cụ có màu da trắng, dáng người còm cõi, hom hem, tóc bạc, râu bạc, thần thái già nua, ủ dột, đáy mắt còn ẩn sâu một màu cam chịu và lo sợ mơ hồ nào đó.

Hồi ức quãng đời lưu lạc

Nhưng ông hồn nhiên, mộc mạc. Qua vài câu hỏi thăm, ông kể, cha tên là Nguyễn Văn Hữu, làm thợ mộc. Mẹ tên là Lê Thị Tuồng, nội trợ. Cha mẹ là Việt kiều Campuchia, ông chào đời năm 1927, trên đất Campuchia, ở Lò-Ven, nằm về phía bắc thị trấn Nét-Lương, tỉnh Pray-ven hiện nay.

“Tôi có cả thảy 3 chị gái và 1 anh trai, tôi là con út, không được học gì cả nên hoàn toàn mù chữ”, ông Cưng kể tiếp. Năm 1948, ông 21 tuổi, có vợ tên là Độ, không còn nhớ họ. Ở với nhau được 2 năm, vợ chết bệnh, không có con.

Ông Cưng tiếp tục sống chung với cha mẹ, làm nghề hớt tôm, giăng câu, đốn củi. Không có thêm vợ kế. Năm 1970, ông 43 tuổi, cha mẹ cũng đã chết, xảy ra chuyện Lol-Nol lật đổ quốc vương Sihanouk, tàn sát Việt kiều. Ông cùng các anh chị em và nhiều Việt kiều được chính quyền cũ đem tàu lên đón về Việt Nam, tổ chức định cư tại quận Hồng Ngự, lúc ấy còn bao trùm luôn huyện Tân Hồng hiện nay.

Tại đây, ông Cưng sống trên một chiếc xuồng nhỏ, thả trôi rày đây mai đó trên sông, hái rau, bắt ốc, sau chuyển qua làm nghề bốc vác tại bến tàu Hồng Ngự. Các anh chị em cùng con cháu khi về Hồng Ngự sinh sống, cũng không khá gì hơn.

Năm 1993, ông đã 66 tuổi, không còn sức khỏe để tự nuôi thân, chiếc xuồng làm nhà ở hơn 20 năm cũng mục rệu rã, ông bắt đầu ra đường lang thang ăn xin, trong lúc các anh chị đều đã lần lượt qua đời, đến nay đúng 20 năm.

Dựa vào lòng hảo tâm

Ông Cưng bảo, ban đầu chỉ ăn xin lòng vòng khu vực chợ Hồng Ngự, kế đó là xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thông Bình, đều nằm bên bờ trái sông Tiền, liền với tuyến biên giới thuộc huyện Hồng Ngự và Tân Hồng.

Thỉnh thoảng, ông đi về phía Đông, sang tới tận huyện Mộc Hóa (Long An) hay về phía Tây, sang các xã Vĩnh Xương, Khánh An, Khánh Bình, Đồng Ky (An Phú, An Giang), nằm giữa sông Hậu và sông Tiền, cũng là các khu vực giáp giới với Campuchia. Mỗi lần đi lại, ông ngồi tàu đò hay xe ôm.

Việc xin ăn, theo lời ông Cưng kể, ông ít ngồi ven đường, mà thường đi tới từng nhà, và luôn được cho tiền, lúc một ngàn, lúc hai ngàn. Đói bụng, ông vào tiệm mua cơm, nhưng thường được cho không, kể cả nước uống, chẳng mấy ai lấy tiền. Tối đâu ngủ đó, khi là sạp giữa chợ, khi nơi hàng hiên nhà người ta hay gầm nhà sàn. Thường thì phải hỏi trước. Những lúc như vậy, chủ nhà còn “làm phước”, cho ông mượn mùng, gối, thậm chí biếu luôn.

Cứ như vậy, mang một bộ đồ, ông đi từ chỗ này sang chỗ nọ, rồi quay lại chốn kia. Ít khi nào tốn tiền. Do vậy, ông bảo “tiền xài không hết, chẳng biết làm gì, nên khi đủ mua được bao nhiêu vàng thì mua ngay, thường là vàng khâu 24k, loại 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ, lấy dây ni-long cột lại thành chùm, bỏ vào hai chiếc túi quần đùi may phía trước, bên ngoài mặc thêm chiếc quần tây. Mỗi ngày phải tắm nhiều lần nhưng quần áo thì chục ngày mới giặt một lần, vì có cất vàng bên trong. Tới năm nay, vào lần sắm mới đây, là đủ được 25 lượng vàng, trong đó có một sợi dây chuyền”.

Vụ cướp táo tợn

Nói về chuyện bị cướp, ông Cưng kể: Hôm đó, khoảng nửa đêm, ông đang nằm ngủ trên một sạp ở khu chợ thực phẩm của chợ thị trấn Tràm Chim, có giăng mùng đàng hoàng. Bất ngờ có 4 thanh niên từ đâu xúm lại, đứa đè ngực, đứa bóp cổ, không cho ông ngồi dậy, đứa kéo tuột quần. Ông chỉ kêu được mấy tiếng “cướp vàng”, yếu ớt nên không có ai nghe, sau đó chúng rút đi hết. Ông cũng không biết phải báo ai vì có biết ai đâu, đành chịu cảnh ở truồng. Đến sáng, có người vào chợ, phát giác ra sự việc, xin cho ông cái quần mới và báo cho công an giùm ông.

Kể tới đây, ông Cưng run rẩy, chậm chạp móc trong túi áo ra, đưa cho tôi mảnh giấy có tiêu đề “Biên bản giao, nhận” do Công an huyện Tam Nông lập ngày 24/12, nội dung giao “một phần tài sản” cho ông, là 9.811.000 đồng. Hóa ra sau khi vụ cướp được báo, 4 ngày sau, Công an huyện Tam Nông đã bắt được thủ phạm.

Đó là: Trần Quốc Việt, sinh năm 1985; Cao Văn Sang, sinh năm 1994; Lê Đức Duy, sinh năm 1995, đều ngụ tại khóm 4, thị trấn Tràm Chim; và Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú tại nhà số 123/21, đường Lê Lợi, phường 3 (Gò Vấp, TPHCM).

Số tiền trên là do nhóm này “thực hiện hành vi cướp vàng của ông Cưng, sau đó mang đi bán”, Công an huyện Tam Nông thu được nên giao lại trước “một phần” giúp ông Cưng “ổn định đời sống”, trong lúc chờ đợi kết thúc vụ án. Ông nói rõ: “Hôm ấy chỉ bị cướp vàng, chứ không có tiền bạc gì bên trong cả”.

Người phụ nữ tôi gặp lúc ban đầu vẫn còn ngồi bên, có chút gì đó buồn buồn. Chị bảo mình tên là Nguyễn Thị Dùng, cháu kêu ông Cưng bằng cậu ruột. Rồi chồng của chị là anh Tư Lùn, đứng từ xa, cũng chen vào: “Hôm nọ, sau khi bị cướp, Công an huyện giữ ổng lại một ngày để lấy lời khai. Xong xuôi, họ chở ổng về đây bằng xe máy, nói rằng ổng bị cảm gió dọc đường. Sau này mới hay ra là do ổng kêu như vậy để mong giấu hẳn vụ ổng đang có nhiều vàng và vừa bị cướp”.

Nghe đến đây, mọi người đều cười, kể cả ông Cưng./.