Ngân hàng Nhà nước ngày 10/5 công bố Dự thảo Thông tư quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với các tổ chức cung ứng dịch vụ ngoại hối.

Theo dự thảo, các cá nhân đi học tập, chữa bệnh, công tác hoặc du lịch có thể được mua tối thiểu 100 USD/ngày trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài tối đa 10 ngày.

Theo dự thảo, cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền bán tại tổ chức cung ứng dịch vụ ngoại hối hoặc đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức cung ứng dịch vụ ngoại hối. Quyền mua ngoại tệ tiền mặt của các cá nhân là công dân Việt Nam cũng được thừa nhận. Theo đó, cá nhân phải mua ngoại tệ tại tổ chức cung ứng dịch vụ ngoại hối, để chi tiền ăn, tiêu vặt, đi lại, khi đi học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch hoặc thăm thân ở nước ngoài.

Cá nhân sẽ được ưu tiên mua loại ngoại tệ là đồng tiền của nước nơi đến. Trường hợp không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến, tổ chức cung ứng dịch vụ ngoại hối xem xét bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.

Tùy theo nhu cầu thực tế, cá nhân là công dân Việt Nam có thể mua ngoại tệ tiền mặt với số lượng ít hơn mức quy định. Ngược lại, ngân hàng có thể bán vượt mức quy định trên cơ sở tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt nếu các mục đích mua là hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Đối với các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, công dân Việt Nam có thể sử dụng thẻ ngân hàng, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác hoặc mua ngoại tệ dưới hình thức chuyển khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ ngoại hối để thanh toán ra nước ngoài.

Thông tư cũng quy định các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích cá nhân sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu chi tiêu hợp pháp ở nước ngoài.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được Ngân hàng Nhà nước triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu hợp pháp của người dân khi xuất cảnh, đồng thời ổn định thị trường ngoại hối. Nếu được phê duyệt, thông tư sẽ có hiệu lực từ 1/7./.