Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam), nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giao điểm của mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng và Trái Đất ở phía bên kia so với Mặt Trời.

Vào những thời điểm khá hiếm hoi này, Mặt Trăng đi qua bóng tối của Trái Đất và không nhận được ánh sáng Mặt Trời. Bởi thế, trên bầu trời, Mặt Trăng có màu đỏ tối thay vì sáng rực rỡ như những đêm rằm thông thường.

Nguyet-Thuc.jpg

Mặt trăng đỏ khi nguyệt thực toàn phần.

Anh Sơn cho biết, nguyệt thực toàn phần là một sự kiện bình thường của tự nhiên, không mang yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, nó hiếm gặp hơn so với các trận mưa sao băng.

Điều đặc biệt hơn nữa, năm 2011 có 2 lần nguyệt thực toàn phần. Lần nguyệt thực đầu tiên diễn ra vào 15/6, thế nhưng nó không gây được sự chú ý bởi thời tiết không ủng hộ.

Vẫn theo anh Sơn, năm nào cũng có nguyệt thực, song do chu kỳ quay của Trái Đất nên mỗi lần diễn ra chỉ có một số khu vực nhìn được và quan sát trọn vẹn là khá ít.

Thông thường, mỗi năm có thể có 1 lần nguyệt thực toàn phần có thể quan sát trọn vẹn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cùng hầu hết các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Bắc Á, Trung Á và châu Đại Dương... Còn quan sát được cả 2 lần như năm nay là khá hiếm. Lý do được giải thích chính là 2 lần nguyệt thực đều diễn ra vào thời điểm đêm của Việt Nam.

“Tuy nhiên, với những ngày đẹp trời như chúng ta đang có hiện nay, nguyệt thực đêm mồng 10 tới sẽ thực sự là một hiện tượng đáng xem nhất vào cuối năm 2011. Người quan sát trên toàn lãnh thổ Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này,” anh Sơn cho biết.

Với hiện tượng thiên nhiên này, người yêu thích thiên văn có thể dùng mắt thường để quan sát. Tuy nhiên, nên hạn chế ánh đèn và khói bụi để có thể chiêm ngưỡng tốt nhất.

Được biết, tại Hà Nội, Câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) phối hợp cùng Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) sẽ tiến hành tổ chức một buổi quan sát ngoài trời tại khu vực cửa sân vận động Mỹ Đình. Chương trình sẽ bắt đầu vào hồi 19 giờ ngày 10/12.

Anh Phạm Vũ Lộc, thành viên của VACA cho hay, trong khuôn khổ chương trình sẽ tiến hành các hoạt động quan sát, quay phim và chụp ảnh Mặt Trăng khi nguyệt thực qua kính thiên văn, biểu diễn bắn tên lửa nước, chiếu phim về thiên văn…

Các thiết bị được sử dụng phần lớn là các kính thiên văn do chính các thành viên câu lạc bộ đầu tư và chế tạo. Ngoài ra, chương trình sẽ tổ chức diễn đàn nhỏ tại chỗ để giới thiệu, trình bày, thảo luận và trao đổi kiến thức về thiên văn học.Ngay lập tức, thông báo này đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ yêu thích “ngồi đất, ngắm trời.” Một thành viên trên diễn đàn http://thienvanvietnam.org cho hay, bạn đã bỏ lỡ hiện tượng nguyệt thực hồi tháng 6 và lần này nhất định sẽ xem cho bằng được.

Anh Nguyễn văn Thành (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, anh đang lựa chọn phương án cùng 2 cậu con trai đón xem trên nóc ngôi nhà 4 tầng của mình hoặc đi xem tại Mỹ Đình. “Rất may, nguyệt thực lần này diễn ra không quá muộn nên các cháu có thể xem xong mới đi ngủ. Ngoài ra, tôi muốn các con phải biết thêm hiện tượng của tự nhiên để từ đó nảy ra ý định khám phá, giúp ích trong công việc học tập,” anh nói.

Độc giả quan tâm, có thể liên lạc với anh Tuấn Sơn qua địa chỉ tuanson.dangvu@gmail.com để tham gia chương trình này./.

Theo anh Tuấn Sơn, "hành trình" của nguyệt thực tối 10/12 sẽ là: * Mặt Trăng sẽ bắt đầu giai đoạn nửa tối vào lúc 18h33’. Trong giai đoạn này Mặt Trăng chỉ tối đi một chút và bắt đầu chuyển sang sắc đỏ.

* 19h45’: Giai đoạn nguyệt thực một phần bắt đầu, một phần của Mặt Trăng bắt đầu đỏ thẫm hơn và rất tối, vùng bị che khuất này tiếp tục lớn dần đến 21h06’.

* 21h06’: Nguyệt thực toàn phần chính thức bắt đầu, toàn bộ Mặt Trăng bị che khuất chỉ còn màu đỏ rất sẫm và tối. Đây chính là giai đoạn chính của quá trình nguyệt thực.

* 21h 57: Nguyệt thực toàn phần kết thúc và Mặt Trăng bắt đầu được chiếu sáng một phần, quá trình nguyệt thực một phần lúc trước diễn ra ngược lại.

* 23h17’: Nguyệt thực một phần kết thúc và chuyển sang giai đoạn cuối cùng là nguyệt thực nửa tối.

* 00h30’ ngày 11/12, nguyệt thực nửa tối chấm dứt, kết thúc toàn bộ hiện tượng.