Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Trong lúc chúng ta đang khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão số 14 để có chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ thì trên vùng biển Thái Bình Dương đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới. Nếu vào biển Đông, áp thấp này có khả năng mạnh lên thành bão và đe dọa đến vùng biển Nam Bộ và miền Trung. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Tú về những lưu ý đối với các địa phương trong ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong thời điểm hiện nay.

3.jpg
Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương

PV: Thưa ông, công tác trọng tâm được Ban chỉ đạo lưu ý như thế nào sau khi bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới?

Ông Vũ Văn Tú:Những ngày tới chúng tôi tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra hồ đập và hết sức cảnh giác đối với tình hình mưa lũ, đặc biệt là các tỉnh vùng núi Đông Bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh. Đây là khu vực có nhiều hồ chứa hiện đã đầy nước. Trong đợt mưa vừa qua tiếp tục uy hiếp an toàn công trình cũng như đe dọa nhân dân vùng hạ du các hồ.

Chúng ta cũng phải tiếp tục đề phòng hoàn lưu bão có thể có mưa các tỉnh phía Bắc, đề phòng việc sạt lở lũ quét. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, khi có lũ, các ngầm tràn phải được kiểm soát 1 cách chặt chẽ để hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân.

PV: Thưa ông, được biết hiện nay trên vùng biển Thái Bình Dương xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới mới đang hướng về phía biển Đông. Vậy trong tình hình hiện nay, Ban chỉ đạo có lưu ý như thế nào đối với các địa phương và người dân?

Ông Vũ Văn Tú:Sau bão số 14, đối với các tỉnh ven biển miền Trung, các tỉnh phía Nam, thời tiết trên biển rất đẹp và có rất nhiều thông tin từ các địa phương gửi về đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm biển. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý là hiện ở phía Đông của Philippines xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới và đang ở vĩ độ 5, hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.

Vì vậy, trong 3 ngày nữa áp thấp nhiệt đới này có thể vào biển Đông và có thể mạnh lên thành bão. Vì vậy việc quản lý, kiểm soát tàu thuyền ra khơi đối với các tỉnh phía Nam theo nhu cầu phục vụ sản xuất của nhân dân là cần thiết. Nhưng chúng tôi cho rằng các tỉnh nên có quản lý hợp lý về những tàu thuyền, đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ bởi lẽ nếu 2-3 ngày tới có bão trên biển Đông thì việc bà con ra đánh bắt ở xa bờ là điều hết sức tránh. Vì ra đến nơi lại phải chạy vào bờ, gây tốn kém và cũng không phục vụ cho sản xuất được.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị các tỉnh căn cứ tình hình thực tế ở khu vực mình để có sự kiểm soát hợp lý. Đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ.

PV: Trong trường hợp các tàu thuyền hoạt động gần bờ ra khơi để đánh bắt do điều kiện thời tiết hiện nay đang thuận lợi, thì lực lượng biên phòng tuyến biển và các địa phương cần thông tin hướng dẫn về áp thấp nhiệt đới này cho bà con như thế nào thưa ông?

Ông Vũ Văn Tú:Theo quan điểm của tôi, những tàu đánh bắt xa bờ chưa nên xuất biển vào thời điểm này. Chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm một số ngày nữa để rõ những thông tin về áp thấp nhiệt đới. Còn việc đánh bắt gần bờ của bà con thì căn cứ vào điều kiện thời tiết của các địa phương, chúng ta có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với các phương tiện này, các lực lượng biên phòng, các cơ quan quản lý thủy hải sản cần phải nắm bắt đảm bảo thông tin liên tục để hướng dẫn cho bà con và thông báo rộng rãi tình hình áp thấp nhiệt đới mới có thể vào biển Đông, sắp trở thành bão, để bà con biết chủ động phòng tránh.

PV: Xin cảm ông!./.