Trong những thắng cảnh của Buôn Ma Thuột, buôn Jun- hồ Lắk là một trong những điểm thu hút nhiều du khách. Buôn Jun nằm cạnh hồ Lắk cùng với buôn MLiêng, là những buôn làng tiêu biểu của dân tộc MNông.

ho%20lak%203.jpg

Voi cũng như người...

Cũng như các buôn làng khác ở Tây Nguyên, từ xa xưa buôn Jun cũng có đội săn và thuần dưỡng voi. Voi luôn được tôn trọng, nhà nào có voi cũng luôn coi voi là một thành viên trong gia đình. Voi cũng được đặt tên như tên của người trong gia đình.Voi cái thì có họ Hơ và voi đực có họ Y.

Quản tượng "nhí"

Nghề quản tượng ở đây là nghề cha truyền, con nối. Các em bé được làm quen với voi từ nhỏ. Hàng ngày cùng với cha,anh các em cũng đi cùng voi làm việc,vào rừng đưa voi đi ăn…

Chăn voi

Khi muốn cho voi sinh trưởng, người ta cũng làm lễ cưới cho voi như với người. Cũng có họ nhà gái, nhà trai. Cũng có tiệc ăn mừng, múa hát như trong một đám cưới bình thường.

Khi voi chết cũng được chôn cất như người. Phía sau buôn, có mộ một voi chết cách đây vài năm.

Đàn voi của Buôn Jun hiện có 22 con, trong đó có 5 con voi đực.

Voi của buôn Jun chủ yếu dùng để phục vụ khách du lịch. Du khách khi đến thăm Hồ Lắk – Buôn Jun thường có chương trình cưỡi voi đi thăm Buôn, vượt hồ và từ bờ bên kia của hồ, đi thuyền độc mộc đặc trưng của người MNông quay trở về điểm xuất phát.

Vượt hồ Lắk

Già Làng Y Nở Buôn Dắp, quản tượng Y Rôn và anh Ma Thái cho biết: Nuôi một con voi cần rất nhiều thức ăn. Trung bình 1 ngày, voi trưởng thành cần đến 100 kg thực phẩm. Mùa gặt, voi có thể ăn rơm, rạ. Chiều sau giờ làm việc, quản tượng lại đưa voi vượt hồ vào rừng cho voi tự kiếm thức ăn đến ngày hôm sau. Voi dùng phần lớn thời gian để kiếm thức ăn, chỉ ngủ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Voi đực trưởng thành thường có cặp ngà đẹp. Nhưng vì cặp ngà đó đôi khi chúng phải đánh đổi mạng sống. Vì thế ở buôn Jun, đôi khi người ta cưa ngà của voi để tránh cho chúng những rắc rối không đáng có từ những kẻ săn ngà voi. Ngoài ra cưa ngà cũng để cho ngà voi phát triển đẹp hơn. Khi ngà quá to, gây vướng víu, cũng sẽ được cưa bớt.

Trước khi cưa ngà, chủ voi sẽ sửa soạn một mâm cúng tươm tất, có khi là cả con heo, xin thần linh, xin voi cho được cưa ngà. Nếu voi đồng ý, chúng sẽ cuốn vòi vào ngà của chúng, vòi voi cuốn đến đâu, chủ voi sẽ được cưa ngà đến đó.

Bình thường chỉ cần vài tiếng đồng hồ để cưa ngà, tùy theo độ lớn của ngà voi. Nhưng cũng có những chú voi khó tính không chịu để yên, lúc đó có khi cần đến cả ngày để cưa ngà.

Phần ngà được giữ làm đồ trang sức có giá trị trong gia đình.

Đàn voi của buôn Jun hầu như không có ngà. Chỉ lác đác còn vài con có ngà.

Cưa ngà voi

Chỉ lác đác vài con voi có ngà nguyên vẹn

Một con voi cái có giá trung bình là 400 đến 450 triệu đồng.Voi đực có giá cao hơn, nếu có cặp ngà đẹp giá có thể lên đến 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Voi có thể mua được từ Lào.

22 con voi của buôn đã lâu lắm chưa cho ra được lứa voi non nào. Phần vì đàn voi đã già, phần nữa chăm một con voi đẻ cũng cần rất nhiều công sức nên người ta cũng ngại cho voi đẻ. Một voi cái mang thai 2 năm, và sau đó chúng cần đến 4 năm để chăm sóc voi con.

Hiên voi nằm trong sách đỏ cấm săn bắn. Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, không còn đất sống cho voi. Nguy cơ lứa voi già này chết đi và không còn voi thay thế là thấy rõ.

Thiên nhiên trù phú, văn hóa bản địa hấp dẫn

Hồ Lắk nằm cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 50 km về phía nam. Hồ rộng trên 500 ha, được thông với con sông K’Rông Ana. Đây là hồ tự nhiên có độ sâu lớn nhất, còn sâu hơn cả Biển Hồ (Gia Lai). Đến nay, huyền thoại về  hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ vẫn còn được lưu giữ.

Những dãy núi cao và rừng nguyên sinh với tổng diện tích khoảng 13.000 ha rừng rộng lớn bao quanh hồ khiến mặt hồ luôn phẳng lặng.

Khách du lịch đi thuyền độc mộc trên hồ Lắk

Không chỉ là một thắng cảnh đẹp của vùng Tây Nguyên, hồ còn vừa là nơi cung cấp nhiều cá, vừa là hồ chứa nước ngọt khổng lồ cung cấp nước cho hàng nghìn hecta ruộng nương, đồng thời còn làm cho khí hậu ở đây thêm phần mát hơn.

Tại buôn Jun còn lưu giữ những ngôi nhà dài truyền thống với mái lợp cỏ tranh, vách thưng liếp nứa cùng với nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào các ngày hội như múa lửa, múa ngày mùa, cồng chiêng…

Buôn Jun là buôn của người dân tộc M’Nông, con trai mang họ “Y”, con gái mang họ “Hơ”. Người dân trong buôn vẫn sống theo chế độ Mẫu hệ: người phụ nữ có tiếng nói quyết định trong mọi việc. Nguồn thu chủ yếu của dân buôn là làm ruộng, đánh cá. Ngoài ra,từ khi du lịch phát triển, các công việc về du lịch được cả buôn cùng tham gia, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân.

Du khách thăm buôn Jun

Cô gái M'Nông

0
Mời rượu

Múa mừng hội mùa

Trình diễn nhạc cụ dân tộc 

Du khách cùng tham gia văn nghệ

Anh Robert Bùi, một người Pháp gốc Việt đã tổ chức chương trình đi du lịch xuyên Việt cho bạn bè từ Pháp về thăm quê hương thứ hai. Điểm tham quan mà đoàn không thể bỏ qua là hồ Lắk, buôn Jun. Anh cho biết: “Tôi đã về Việt Nam nhiều lần, nhưng tôi luôn muốn giới thiệu cho các bạn của tôi thăm Việt Nam. Hôm nay được thăm buôn Jun, hồ Lắk, đoàn rất thích vì chúng tôi được biết nhiều điều từ thực tế cuộc sống Tây Nguyên mà trước đó chúng tôi chỉ biết qua sách báo, nhất là cuộc sống của loại thú đã được thuần dưỡng như voi. Chúng tôi sẽ còn quay lại đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp và tìm hiểu những điều còn chưa biết”./.