Tuy chưa vào cao điểm nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận đến 8 trường hợp trẻ mắc bệnh Tay chân miệng. Hầu hết là các trường hợp rất nặng, phải thở máy. Trong đó có một trường hợp bệnh Tay chân miệng cấp độ cuối đã được các bác sĩ cứu sống và đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

tay_chan_mieng_tr_xhvx.jpg
Cháu N.V.K.E đang nằm điều trị bệnh Tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 
Đó là cháu N.V.K.E, 2 tuổi, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào ngày 12/2. Khi nhập viện, cháu đã vào cấp độ 4 - cấp độ cuối của bệnh Tay chân miệng, dù mới chỉ sốt bắt đầu vào ngày thứ 3. Cháu E. nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, suy hô hấp, da tím tái, nổi bông, chân tay lạnh, người vã mồ hôi. Mạch và huyết áp của bệnh nhi này đã bằng 0. Các xét nghiệm sau đó cho thấy cháu đã bị phù phổi. Người nhà cho biết cháu chỉ mới sốt được 2 ngày và do chủ quan nghĩ là sốt siêu vi thông thường nên khi phát hiện cháu bé bị giật mình, chới với - một dấu hiệu rất đặc trưng của bệnh Tay chân miệng thì mới đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã cho cháu thở máy, dùng thuốc vận mạch và tiến hành lọc máu liên tục. Hiện tại, cháu đã tỉnh lại được nhưng vẫn còn rất yếu, sức khỏe chưa trở lại như bình thường. Di chứng để lại nếu có là bị yếu chi, lé mắt hoặc khó nuốt do dây thần kinh bị ảnh hưởng. Giai đoạn nặng của bệnh Tay chân miệng thường rơi vào ngày thứ 2 đến thứ 5 của bệnh do đó các bậc phụ huynh phải hết sức chú ý các triệu chứng để kịp thời đưa trẻ nhập viện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Bệnh Tay chân miệng hay sốt siêu vi thì hiện nay không có nhiều nhưng vẫn có những ca bệnh nặng. Nghĩa là các ca nặng cứ xuất hiện lai rai nên người dân và cả các nhân viên y tế phải có phản xạ và chú ý các triệu chứng để đưa trẻ nhập viện sớm”./.