Sáng 26/2, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho biết, bé Lâm Quang được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt, toàn thân phát ban, thở khó. Chỉ 3 giờ sau, bệnh nhi bắt đầu ngưng thở nên phải được hỗ trợ hô hấp bằng máy. Các xét nghiệm sau đó cho thấy bé bị biến chứng viêm phổi do bệnh sởi.

benh-soi.jpg
Bệnh nhi li bì kéo dài do biến chứng sởi (Ảnh: Vnexpress)

Trước tình huống nguy kịch, các bác sĩ đã bù máu để chống suy dinh dưỡng do bé bị thiếu máu từ trước, đồng thời điều trị kháng sinh mạnh. Tuy nhiên phải sau hơn 4 ngày nằm li bì, bệnh nhân mới bắt đầu hồi phục.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho biết đây là trường hợp biến chứng viêm phổi do sởi nguy kịch nhất phải cần đến thở máy kể từ 6 năm trở lại đây.

"Bệnh nhân nhập viện khá sớm, tuy nhiên diễn biến của bệnh nhanh. Nếu nhập viện chậm vài giờ bé có thể tử vong do suy hô hấp. Đến hôm nay bé đã khỏe", ông Khanh nói và cho biết đây là trường hợp mắc sởi do chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, sởi do virus cấp tính gây nên. Biểu hiện bệnh thường là sốt, phát ban, trường hợp nặng có thể gây biến chứng viêm phổi hoặc biến chứng thần kinh. Người mắc bệnh có nguy cơ tử vong nếu bị biến chứng mà không được điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh hữu hiệu là tiêm vaccine, hiện vaccine sởi có trong chương trình tiêm chủng quốc gia (tiêm miễn phí). Mũi tiêm đầu tiên khi bé được 9 tháng tuổi. Khi tiêm đủ các mũi, trẻ sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Trường hợp tiêm không đủ các mũi, trẻ vẫn có thể bị mắc bệnh. Người đã bị sởi không bị tái lại.

Để phòng biến chứng sởi, khi thấy trẻ có dấu hiện sốt kéo dài hơn 2 ngày và có hiện tượng phát ban, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị./.