Hiện nay, thời tiết đang ngày một nắng nóng gay gắt, cùng với thói quen đốt nương làm rẫy và xử lý thực bì không đúng quy định của người dân, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn đối với nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh miền núi Hòa Bình. Trước tình hình trên, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác bảo vệ, phòng ngừa, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mọi tình huống khi có cháy rừng xảy ra…
Hòa Bình có 134.906 ha rừng tự nhiên, 104.972 ha rừng trồng. Trong đó, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy là 106.747 ha, tập trung chủ yếu ở các khu rừng hỗn giao tre, nứa, rừng chưa khép tán, rừng trên núi đá. Đặc biệt, địa hình miền núi hết sức phức tạp, độ dốc lớn, khiến cho công tác chữa cháy rừng rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Do trình độ dân trí còn thấp, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhận thức, ý thức về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, về vai trò to lớn của rừng, tác hại của cháy rừng, mất rừng chưa cao. Do đó, ngay từ đầu mùa khô năm 2013, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo phòng, chống cháy rừng và xây dựng các phương án phòng chống cụ thể, đúng với đặc điểm của từng địa phương.
Điều quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn và xây dựng lịch đốt nương, xử lý thực bì cho người dân, khi đốt phải làm đường băng cản lửa và báo cho chính quyền biết để cùng tham gia; tổ chức cho người dân vùng có rừng, ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng; phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng một cách thường xuyên, liên tục và sâu rộng…
Ngành kiểm lâm cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng bản tin, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để nhân dân, chủ rừng và các địa phương chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ ); lập kế hoạch đầu tư phương tiện, máy móc thiết bị và công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng tuần tra canh gác 24/24 giờ trong thời điểm báo động cao về cháy rừng để kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời khi có cháy; củng cố, tu sửa được hơn 30 km đường băng cản lửa tập trung tại các vùng giáp ranh có nguy cơ cháy lan cao và các vùng trọng điểm cháy. Thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, xử lý thông tin cháy rừng chính xác, kịp thời để kiểm tra, phát hiện sớm các điểm có nguy cơ cháy cao.