Thứ Năm, tuần thứ hai của tháng Mười hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Quốc tế về phòng chống mù loà (IAPB) và một nhóm các tổ chức phi chính phủ quốc tế chọn là Ngày thị giác thế giới (World Sight Day). Với chủ đề “Chăm sóc mắt cho người cao tuổi”, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thị giác thế giới năm nay đã được long trong tổ chức tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh vào sáng chủ Nhật ngày 5/10.

Tới dự buổi mít tinh có thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam Nguyễn Trọng Nhân, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Jean-Marc Olive, các đại điện đến từ các tổ chức trong và ngoài nước và đại diện của các gia đình có người thân hiến tặng giác mạc.

Trên thế giới cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. Hiện nay ước tính trên thế giới có 45 triệu người, trong đó 80% người mù là những người trên 50 tuổi. 75% các nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh được.

Trong số những người mù và khiếm thị, có đến 90% sống ở các quốc gia đang phát triển và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đói nghèo, Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này. Theo số liệu điều tra 2007, Việt Nam hiện có gần 400.000 người mù 2 mắt và 1,5 triệu người mù 1 mắt, chiếm tỷ lệ mù lòa 0,43% dân số toàn quốc (năm 2002 là 0,63%). Mục tiêu thị giác đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 0,3% dân số. Có thể thấy “gánh nặng mù loà” ngày càng gia tăng sẽ gây trở ngại lớn trong quá trình Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-văn hoá - xã hội.

Hàng năm với mỗi chủ đề khác nhau, trong dịp Ngày thị giác thế giới, Việt Nam luôn hưởng ứng tích cực và ủng hộ thông qua hoạt động tuyên truyền và nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức khám, điều trị, phẫu thuật, cấp thuốc, cấp kính miễn phí cho học sinh, khám mắt và phẫu thuật mắt từ thiện cho người nghèo, người già, đối tượng chính sách… Mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có những cách làm khác nhau, hiệu quả và thu hút sự quan tâm của xã hội về công tác phòng chống mù lòa./.