Ngay sau thông tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về siêu bão Haiyan và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp trực tuyến chiều 8/11, các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, đã triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Tại tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo tỉnh đã khoanh vùng các huyện có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng là Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búc, Ea Kar, Ea Súp và yêu cầu các huyện này khẩn trương kiểm tra tích nước, việc quản lý, vận hành hồ đập thủy lợi, thủy điện; sẵn sàng máy phát điện dự phòng hỗ trợ xả lũ; đồng thời, rà soát tất cả vùng hạ du, thống kê số hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm để có phương án di dời.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh tổng kiểm tra lại hết phương tiện của mình. Lực lượng công an, quân sự, biên phòng rà soát hết tất cả về lực lượng, phương tiện; kiểm tra các tàu, xuồng… cần thiết sẽ chủ động vận chuyển về các địa bàn trọng điểm. Các huyện trọng điểm huy động tự vệ, thanh niên, lực lượng dân quân để tăng cường trực ứng phó với bão ngay từ ngày 9/11.

Tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum, an toàn hồ đập và công tác quản lý vận hành các hồ thủy lợi và thủy điện, được UBND các tỉnh quan tâm hàng đầu, nhất là các hồ lớn như Yaly, Plei K’rông, Sê San 3 và A Khê Kanak…

Riêng đối với tỉnh Kon Tum, do đặc thù địa hình chia cắt mạnh, đường giao thông dễ bị sạt lở, cô lập các khu dân cư vùng sâu, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng từ xã đến huyện khẩn trương rà soát, có phương án bổ sung ngay về lực lượng, phương tiện, kinh phí, hậu cần đảm bảo không để dân đói trong mưa lũ; các ngành Quân đội, Công an, Công thương, Viễn thông, Y tế… chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để kịp thời triển khai ngay các phương án ứng cứu. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân sinh sống ở vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum cho biết, các huyện trong tỉnh đồng loạt tiến hành kiểm tra rà soát lại tất cả những hộ dân sinh sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ bão, đặc biệt là vấn đề sạt lở đất đá. Phân công người trực 24/24 ở những khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, đóng biển cảnh báo cấm người, phương tiện qua lại. Sở NN&PTNT, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư các công trình ủy điện, thủy lợi kiểm tra lại mực nước kịp thời xả lũ./.