Lũ các sông ở Quảng Bình lên nhanh
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 10, ở Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Tính đến 19h ngày 30/9, lượng mưa đo được phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi lớn hơn như: Mai Hóa: 222mm, Ba Đồn: 249mm, Đồng Hới (Quảng Bình): 328mm.
Do mưa lớn, lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên. Lúc 20h ngày 30/9, mực nước trên các sông Giang tại Mai Hóa là 5,02m, trên báo động 2 là 0,02m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 1,71m, trên báo động 1 là 0,51m.
Cây đổ ngổn ngang do bão tại Quảng Bình |
Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên. Sáng sớm nay (1/10), lũ trên các sông ở Quảng Bình có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2. Cụ thể, mực nước đỉnh lũ sông Giang tại Mai Hóa ở mức 5,5m, trên báo động 2 là 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là: 2,2m, ở mức báo động 2.
Đến chiều tối nay, mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Nghệ An: Chủ động phòng chống lũ quét
Trước diễn biến của cơn bão số 10, Ban Chỉ huy phong chống bão, lụt và tìm kiểm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các huyện, thị ven biển phối hợp với đồn biên phòng tuyến biển kêu gọi hơn 4.000 tàu thuyền với hơn 23.000 lao động vào nới trú bão an toàn. Tỉnh Nghệ An cũng đã vận động di dời hơn 1.600 hộ với trên 6.000 khẩu ở vùng biển có nguy cơ có sóng biển dâng cao.
Công an Nghệ An đã điều động 900 cán bộ, chiến sĩ đến các vùng xung yếu để giúp đỡ nhân dân phòng chống bão số 10. Bộ Chi huy quân sự Nghệ An tổ chức 5 đoàn kiểm tra và sẵn sàng các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn; Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Biên phòng Nghệ An sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra trên biển.
Do ảnh hưởng của bão số 10, hàng nghìn ha hoa màu ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An bị ngập lụt. Tỉnh Nghệ An đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, nhất là các huyện miền núi sẵn sàng phòng chống lũ quét có thể xẩy ra do hoàn lưu bão
Mưa lớn gây tắc đường ở Nghệ An
Từ đêm qua đến sáng nay (1/10), tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Do chủ động lên phương án phòng chống nên đến thời điểm này tại 2 tỉnh chưa có có thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 10.
Tại tỉnh Nghệ An, lượng mưa đo được đêm qua tại các địa phương từ 70mm đến 120mm, đặc biệt lượng mưa tại Quỳnh Lưu lên tới 400mm, gió giật mạnh. Đường 11 đoạn từ Quỳnh Lưu đến Thanh Hóa bị ngập gây ùn tắc giao thông, nước ở một số sông đang lên. Đến sáng nay, mưa đã ngớt, gió giảm. Do chủ động lên phương án phòng chống bão nên đến thời điểm này ở Nghệ An chưa có thiệt hại đáng kể.
Bão gây đổ cột điện tại Hà Tĩnh |
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết: “Nghệ An rất chủ động và làm tốt công tác chuẩn bị để ứng phó với bão số 10 cho nên đến thời điểm này, các thiệt hại do báo số 10 gây ra không đáng kể. Các hồ đập chủ động tiêu nước từ trước, một số hồ chủ động xả tràn, nên đều an toàn, đê điều cũng cơ bản an toàn”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã sớm gửi công điện cho các địa phương, yêu cầu tập trung lực lượng thu hoạch gọn lúa mùa để hạn chế thiệt hại khi mưa lớn. Các vùng ven sông suối, có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã chủ động lên kế hoạch di dời dân đảm bảo an toàn.
Hiện nay 2 hồ đập lớn của tỉnh là Yên Mỹ và Cửa Đạt mực nước đã gần đạt mức thiết kế, nên đơn vị quản lý chủ động lên phương án xả lũ. Tỉnh chỉ đạo, toàn bộ hồ đập nhỏ không an toàn thì tạm dừng không tích nước, đề phòng sạt lở, lũ ống lũ quét do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực, Phó Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm những đợt lũ lụt lần trước, do chủ quan, khi mưa lớn bà con thường ra sông vớt củi, qua hồ, đi qua các tràn những ngầm, xảy ra tai nạn chết đuối. Lần này, Thanh Hóa có phương án sẵn sàng đối phó. Đặc biệt các tràn, ngầm, khi có lũ các địa phương phải có người trực canh để cảnh báo, để hạn chế tối đa những thiệt hại do chủ quan.
Hà Tĩnh: 1 người mất tích
Mưa to và gió lớn đã diễn ra suốt đêm qua tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đặc biệt trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có điểm úng ngập rất lớn khiến hàng nghìn phương tiện ùn tắc kéo dài hàng chục km trên tuyến quốc lộ 1A.
Hiện nay thời tiết tại Hà Tĩnh trời đã bớt mưa, nhưng những ảnh hưởng của bão số 10 vẫn cho thấy đây là cơn bão rất mạnh khi đổ bộ vào bờ, nhiều cây cối xung quanh khu vực thành phố bị gãy đổ, ngập úng đã xảy ra cục bộ trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo thống kê ban đầu tại huyện Hương Khê có 1 người mất tích trước khi bão đổ bộ, nạn nhân là Hồ Thị Mây (1982) thuộc xã Hương Vinh; ở huyện Lộc Hà có 3 người bị thương nhẹ trong khi chằng chống nhà cửa lúc chống bão. Bão kèm theo mưa lớn khi đổ bộ vào bờ đã khiến 4 xã ở huyện Kỳ Anh bị chia cắt. Hơn 400 nhà dân ở huyện Lộc Hà bị ngập úng và tốc mái. Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị ngập úng.
Do ảnh hưởng sự cố đường dây 500 KV Bắc Nam, trên địa bàn Hà Tĩnh tối và đêm qua một số khu vực bị mất điện cục bộ. Chiều tối qua, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng phối hợp đã cứu hộ thành công 30 công nhân bị mắc kẹt do đường vào nhà máy nhiệt điện Formosa bị ngập úng. Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, ngay trong sáng nay các đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đi trực tiếp chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ sáng nay sau khi kết thúc bão, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ về trực tiếp chỉ đạo các địa phương đánh giá tình hình thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống người dân, nhất là thiệt hại nhà dân, trường học và các cơ sở vật chất; rà soát các hồ đập nguy cơ cao, giao cho các địa phương cử cán bộ ứng trực suốt ngày đêm, ứng phó tình huống xấu có thể xảy ra./.