Chiều nay (19/8), đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai về công tác y tế 6 tháng qua trên địa bàn.
6 tháng đầu năm nay, ngành y tế tỉnh Gia Lai được đánh giá cao trong công tác hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ và các điều kiện nhằm khám chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành y tế tỉnh Gia Lai cần chú trọng hơn đến việc đầu tư trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gia Lai cần có các chính sách cụ thể để thu hút đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ chuyên khoa.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Gia Lai cần phải xem xét lại vấn đề tử vong bà mẹ và trẻ em. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có tới 36 trẻ em và 5 bà mẹ tử vong sau khi sinh. Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam đã được tổ chức y tế thế giới công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh từ khoảng năm 2002, nhưng 6 tháng đầu năm nay, Gia Lai có tới 7 ca trẻ em tử vong so uốn ván sơ sinh.
Bộ Trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tôi nghe mà giật mình là 7 ca tử vong do uốn ván sơ sinh. Còn một tỉnh mà 7 ca tử vong so uốn ván sơ sinh là chúng ta ở một nền y tế và y học lạc hậu. Dứt khoát từ sang năm phải giảm cho đến xóa, không thì chỉ số này sẽ kéo tụt tỷ lệ chung của cả nước”.
Liên quan đến tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em sau khi sinh ở Gia Lai ở mức cao nhất cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, ngành y tế tỉnh Gia Lai cần xem xét lại công tác y tế dự phòng. Bởi, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở Gia Lai hiện nay còn rất thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, trong trường hợp cần thiết, cần phải mở điểm tiêm chủng ngay tại thôn làng, tránh tình trạng ở xa người dân không tới được để tiêm hoặc tuyên truyền không tới nơi.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn sắp tới, thông qua các nguồn vốn, Bộ sẽ đầu tư cho Gia Lai khoảng 13,3 triệu USD để tỉnh thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong đó ưu tiên cho việc giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em sau khi sinh./.