Việc phát hiện 2 container chứa thịt trâu bò thối, chân trâu bò thối tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
Liệu có hay không đường dây chuyên cung cấp xương chân trâu, bò và thịt thối từ Hà Nội vận chuyển vào Bình Dương để tiêu thụ ở các tỉnh, thành phía Nam?. Phóng sự sau đây sẽ phản ánh ý kiến của ngành chức năng và phần nào lý giải nguyên nhân vì sao Bình Dương liên tiếp phát hiện các container, xe hàng chở thực phẩm bẩn.
Ảnh minh họa, nguồn: KT |
Vụ phát hiện 2 container chứa xương trâu bò thối tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vào ngày 28/8 vừa qua có nhiều nét tương đồng với vụ phát hiện container trâu bò thối tại phường Bình Hòa, thị xã Thuận An vào năm 2012. Phương thức vận chuyển đều bằng container, điểm xuất phát từ Hà Nội, không giấy kiểm dịch, không có chứng từ hợp pháp về vệ sinh thú y trong lĩnh vực kinh doanh thịt động vật. Từ hai vụ việc như trên, dư luận đang đặt câu hỏi: quy trình kiểm duyệt, kiểm tra kiểm soát thị trường ra sao khi các xe vận chuyển thịt bẩn với số lượng lớn hàng chục tấn từ Hà Nội vào Bình Dương không bị phát hiện? Liệu có hay không một đường dây chuyên kinh doanh, cung cấp xương chân trâu, bò và thịt thối tồn tại tại Bình Dương để cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam?
Các câu hỏi này đã được ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương phần nào lý giải rằng: “Có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, lô hàng không an toàn, giết mổ lậu, không có kiểm dịch đương nhiên tài xế sẽ né trạm. Thứ hai, lực lượng của các trạm kiểm dịch không có cảnh sát giao thông. Hai vấn đề này sẽ hạn chế việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển gia súc”.
Việc xử lý các trường hợp vận chuyển thực phẩm bẩn như trên chủ yếu là theo Nghị định 40 của Chính phủ. Tuy nhiên, chế tài quy định trong Nghị định này là quá thấp, không đủ sức răn đe so với lợi nhuận thu được của các đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn. Như trường hợp phát hiện 2 container với hơn 11 tấn xương, chân trâu bò thối vùa qua tại thị xã Dĩ An, người kinh doanh sẽ có lợi nhuận từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tấn, trong khi theo quyết định xử phạt đối với hai hành vi: vận chuyển và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo Nghị định 40, mức xử phạt hành chính chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng trên mức phạt tối đa là 5 triệu đồng/vụ, kèm theo yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Việt, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết: Về hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hóa không có giấy chứng nhận kiểm dịch, mức chế tài còn quá nhẹ so với thực trạng hiện tại. Số tiền phạt quá nhẹ so với hành vi vi phạm.
Hình thức chế tài không đủ sức răn đe là một trong những nguyên nhân chính lý giải vì sao tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn cứ ngang nhiên tồn tại và ngày càng phức tạo như thách thức dư luận. Bản thân ngành chức năng, việc thiếu kiểm tra, kiểm soát, hay lực lượng mỏng đang là những kẽ hở khiến thực phẩm bẩn tiếp tục tràn lan trên thị trường, gây lo ngại cho người tiêu dùng.
Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa phát hiện trong kho lạnh những sản phẩm từ Bình Dương đi ra kém phẩm chất. Tuy nhiên, có một số tại các tỉnh bạn đi về thành phố Hồ Chí Minh quá cảnh Bình Dương đã bị chúng tôi bắt được.
Theo Chi cục Thú y Bình Dương, với 4 kho lạnh và 18 cơ sở giết mổ, trung bình mỗi ngày Bình Dương đưa ra thị trường khoảng 80 tấn thịt động vật, sản phẩm động vật. Trong đó, thị trường Bình Dương chỉ tiêu thụ khoảng 50%, còn lại đưa về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vì lợi nhuận nên tìm các mối lái cung cấp thịt giá rẻ từ nơi khác đưa về Bình Dương. Do đó, việc siết chặt quản lý, tăng cường phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa các ngành chức năng luôn là biện pháp cần thiết để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.