Dịp lễ Tết dương lịch năm nay trùng vào ngày cuối tuần nên được nghỉ bù kéo dài, chính vì thế người dân rời Hà Nội để về quê, đi du lịch rất đông. Chiều ngày 1/1/2013 là ngày nghỉ cuối cùng của đợt nghỉ nên người dân đổ xô về Hà Nội cho kịp giờ làm ngày mai khiến các bến xe đông đúc hơn ngày thường.

tet-duong-lich-6.jpg
Càng về chiều, mật độ giao thông đổ về bến xe Giáp Bát càng trở nên dày đặc. 

Càng về chiều, mật độ giao thông đổ về bến xe Giáp Bát càng trở nên dày đặc. Lượng xe khách từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng… nối đuôi nhau, ùn ứ cục bộ tại cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Tại bến xe Mỹ Đình, các tuyến xe khách đường dài cũng trong tình trạng quá tải tương tự. Giao thông tại các bến xe nhiều lúc rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặc biệt là lối xe ra vào bến.

Bên trong bến xe Giáp Bát, từng tốp người xách hàng lý lỉnh kỉnh, dáo dác tìm xe buýt, xe ôm hoặc tìm người thân đến đón.

Tại các bến xe buýt, lượng khách chủ yếu là các bạn sinh viên đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội kéo nhau tiến vào bến khiến nhà chờ đông nghẹt người. Vừa thấy xe buýt, dòng người đã ùa xuống lòng đường, đứng chật cả lối lên, xuống. Nhiều tuyến xe buýt vì quá tải đã bỏ một vài bến đón khách, nhiều người cố chạy theo để leo lên xe bằng được.  

Vừa đặt bao gạo xách từ quê ra xuống đất, bạn Nguyễn Đức Hạnh (sinh viên trường Trung cấp xây dựng) nói không ra hơi: “Bình thường từ quê em (Thanh Hóa – PV) ra Hà Nội chỉ mất 3 tiếng rưỡi. Nhưng lúc về cũng như lúc ra, nhà xe tranh thủ dừng đón, nhồi nhét thêm khách, ra đến đường cao tốc thì ùn tắc kéo dài nên phải mất gần 5 tiếng em mới ra đến Hà Nội. Vé xe mọi ngày là 80.000 đồng/lượt đi, thì hôm nay tăng lên 120.000 đồng/ lượt”.

Theo nhiều lái xe ôm cho biết, giá xăng năm nay tăng liên tục, giá cả các mặt hàng, cước phí vận chuyển đắt đỏ, cộng thêm tâm lý “cả năm mới có ngày Tết” nên giá vé được dịp tăng thêm so với ngày thường.

Anh Trần Văn Thật (xe ôm tại bến xe Giáp Bát) cho biết: Phần lớn người dân chọn phương tiện xe buýt, xe taxi để di chuyển vì vừa rẻ, lại vừa sạch sẽ, không có bụi, còn khách đi bằng xe ôm chiếm rất ít mặc dù giá xe ôm vẫn giữ giá so với ngày thường. Gặp may có khách không đợi được xe đón, thời tiết giá rét nên “hào phóng” trả thêm tiền cho xe ôm để nhanh được về nhà.

Chưa kịp đặt chân xuống từ tuyến xe buýt Long Biên – Thuận Thành, bạn Hoàng Thị Hiền (sinh viên Trường KHXH và Nhân văn) đã được các bác lái xe ôm tranh nhau gọi tên “Áo đỏ của tôi, áo đỏ của tôi”.

Cố gắng lắm mới thoát được cảnh vây bắt của cánh xe ôm, bạn Hiền ngán ngẩm nói: “Sợ nhất kẻ gian  nhân cơ hội lẻn vào móc túi. Được dịp về quê, bố mẹ cho tiền cầm lên, nên lúc nào mình cũng lo ngay ngáy sợ bị mất cắp, nên một tay vừa xách balô, tay kia cứ phải giữ khư khư túi quần".

Tại các bến xe buýt, lượng khách chủ yếu là các bạn sinh viên đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội

Tài xế xe ôm đứng quây kín cả lối lên xuống xe để chào mời khách

"Cả năm mới có ngày Tết, nên giá vé xe ôm cũng tăng hơn so với ngày thường

Từng tốp người xách hàng lý lỉnh kỉnh, dáo dác tìm xe buýt, xe ôm hoặc tìm người thân đến đón.