Tại các tỉnh miền Trung sáng nay (19/9) trời tạnh mưa, nhưng nước sông vẫn còn ở mức báo động 3 gây ngập lụt trên diện rộng. Đã có 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến giao thông còn ngập chìm trong nước gây ách tắc giao thông. Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14G, 49 bị sạt lở nhiều đoạn, 2 huyện Tây Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam bị cô lập hoàn toàn.

nguoi-dan.jpg
Người dân ở phố cổ Hội An đi thuyền trong phố (Ảnh: báo Quảng Nam)

Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lũ cuốn trôi 2 người ở xã Mà Coih và Cà Dăng huyện Đông Giang, hiện vẫn chưa tìm thấy xác. Nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên báo động 3, cộng với các thủy điện A Vương, ĐăkMy 4 xả lũ khiến nhiều tuyến Tỉnh lộ ngập sâu, không đi lại được.

Hơn 1.300 hộ dân của huyện Đại Lộc phải sơ tán. Mưa lũ làm sạt lở đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn qua tỉnh Quảng Nam và Quốc lộ 14G từ Đà Nẵng lên Đông Giang; cô lập hoàn toàn hai huyện Đông Giang và Tây Giang với đồng bằng. Đến 11h 30 phút trưa nay, đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đông Giang đã thông xe từng chiếc một, riêng những đoạn sạt lở qua huyện Tây Giang chưa thể san ủi hết được.

Mưa lũ cũng khiến đường lên các xã vùng cao tỉnh Quảng Nam bị ách tắc nhiều điểm.

Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam cho biết phải đến hết ngày mai, đường từ đồng bằng lên huyện Đông Giang mới có thông tuyến trở lại: Tuyến quốc lộ 14G, hạt quản lý cũng đang đi kiểm tra triển khai khắc phục ngày mai sẽ thông tuyến quốc lộ 14G. Còn các tuyến đường huyện, đường xã tạm thời khắc phục cho xe, dân đi lại bình thường”.

 Tuyến Quốc lộ 49A lên huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nhiều đoạn, ách tắc giao thông. Tại xã Hồng Thủy, huyện A Lưới nước suối dâng cao, hơn 300 hộ dân bị nước lũ chia cắt từ hôm qua đến sáng nay. Mưa to trong những ngày qua làm mực nước ở 55 hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xấp xỉ qua tràn. Tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.  

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn trong mấy ngày qua khiến mực nước trên sông Sê Pôn, huyện Hướng Hóa vượt mức báo động 3, gây ngập lụt nặng nhiều xã vùng Lìa. Hiện, nước lũ bắt đầu rút chậm nhưng hàng ngàn nhà dân, công trình, trường học vẫn còn ngập chìm trong biển nước, nhiều nhà ngập đến tận mái. Ngay trong đêm qua và sáng nay, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng công an, quân đội dân quân địa phương sơ tán 1,500 hộ dân vùng nguy hiểm đi tránh lũ.  

Nước lũ dâng cao khiến tuyến quốc lộ 9 đoạn từ xã Tân Long lên thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa bị ngập sâu nhiều đoạn, hàng trăm phương tiện giao thông bị ách tắc, nằm chờ nối đuôi nhau trên quốc lộ 9 từ đêm qua đến sáng nay. Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm ngập sâu, ngăn không cho phương tiện qua lại.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, huy động lực lương dùng thuyền máy tiếp cận các khu dân cư cứu người ra khỏi vùng lũ.

Ông Nguyễn Văn Bài, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Trị cho biết: Những chuyến hàng viện trợ đầu tiên gồm mì ăn liền, nước uống đóng chai cũng đã kịp chuyển đến tay bà con vùng lũ trong sáng nay: Hiện nay nước đã rút so với mực nước hôm qua là 0,7 m, vấn đề ngập lụt chỗ hộ dân rất cao, nhiều hộ đã ngập gần nóc. Chính quyền địa phương và đặc biệt Ban chỉ huy phòng chóng lụt bão của huyện Hướng Hóa đã triển khai kịp thời. Đặc biệt nhân dân đùm bạo lẫn nhau trong lúc khó khăn để đưa người cụ già trẻ nhỏ cho đến các phương tiện an toàn.

Tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, mưa rất to đã làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa ngập sâu, khiến giao thông bị ách tắc. Tại “rốn lũ” xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, chính quyền địa phương đã triển khai 170 nhà bè chống lũ và gần 350 thuyền sẵn sàng di dời dân nếu nước lũ tiếp tục lên. Đến sáng nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy trời vẫn còn mưa rất to. Một số trường học, đường giao thông đã bị ngập lụt.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Có khả năng gây ngập lụt trên diện rộng, chỉ đạo 3 xã vùng biển bị triều cường dâng, cất giữ phương tiện và có phương án di dời khi cần thiết là di dời bà con lên trường học,  ủy ban, trạm y tế. Đồng thời chỉ đạo phòng giáo dục cho học sinh nghỉ sớm./.