Do ảnh hưởng của bão số 8, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to và rất to, gây sạt lở miền núi và vùng ven biển. Hiện các địa phương tiếp tục kiểm đếm, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và triển khai phương án đối phó mưa bão.

tau-neo-dau.jpg
Nhiều ngư dân vẫn chủ quan, không đưa tàu tìm nơi trú bão an toàn trong khi bão đã gần vào bờ... (Ảnh: báo Quảng Ngãi)

Tại tỉnh Quảng Ngãi mưa to ngày hôm qua và hôm nay làm sạt lở, gây ách tắc giao thông tại một số tuyến đường huyện miền núi. Một số bản làng đã  bị cô lập do đường sạt lở chưa thể đi lại. Đặc biệt, Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi đi Kon Tum đoạn qua xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ, hàng chục mét khối đất đá đổ xuống khiến giao thông bị tắc nghẽn nhiều đoạn. Trên tuyến ven biển, Trạm kiểm soát biên phòng cảng Sa Kỳ, huyện Sơn Tịnh đã tiến hành nghiêm cấm phương tiện ra khơi, đồng thời dùng loa kêu gọi người dân vào tránh bão. Hiện nay, tại khu vực Trạm kiểm soát Sa Kỳ đã có hơn 1.200 phương tiện vào neo trú.

Thiếu tá Bùi Văn Hùng, Trạm Phó Trạm biên phòng kiểm soát Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vô trong này biên phòng và địa phương xắp xếp cho các tàu nó neo đậu đảm bảo an toàn đừng va đập gây thiệt hại của bà con, rồi phối hợp với công an địa phương là bảo vệ trật tự tại khu vực bến bãi.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, mưa to những ngày qua cũng đã làm ách tắc một số tuyến đường giao thông ở huyện miền núi Tây Giang. Đến sáng nay, tại huyện miền núi Tây Giang đã có 3 điểm sạt lở trên tuyến đường A Dứt- Len và tại xã Trà Hy. Ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Hiện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã chỉ đạo các lực lượng kiểm tra thực tế để huy động lực lượng khắc phục: Sáng nay Ban Chỉ huy họp khẩn cấp triển khai một số biện pháp cấp bách. Thứ 2 nữa là phân công các thành viên xuống địa bàn phối hợp với địa phương chỉ đạo sạt lở để thông tuyến.                 

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa to khiến bờ biển đoạn thôn Thái Dương Hạ Nam xã Hải Dương, thị xã Hương Trà bị lấn sâu hơn 10 m, dài 150 m. Sáng nay, địa phương huy động 1000 người dân dùng bao cát kè chống để khắc phục.

Theo PV Lê Hiếu có mặt tại hiện trường cho biết: Sáng nay hàng ngìn người dân tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà đã mang tơi đội nón ra bờ biển xóm Gềnh Cồn Đâu tham gia đắp đất, kè đá chống xói lở bờ biển.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 700 triệu đồng giúp chính quyền địa phương mua đá, rọ thép và huy động gần 1.000 hộ dân tham gia đắp đê, kè đá chống sạt lở. Đến thời điểm này, bà con nhân dân đã kè được 600 m3 đá hộc, 400 rọ thép. Hiện khu vực bờ biển này vẫn còn đoạn dài khoảng 200 m bị sói lở ăn sâu vào. Đứng cạnh tôi đây là ông Trương Đức Đề, người dân thôn Thái Dương Hải Nam, xã Hải Dương. Xin ông cho biết tình hình sạt lở bờ biển ở đây thời gian qua như thế nào: Hôm nay thu đung nặng, tới đây càng xé thêm thì được sự hỗ trợ của tỉnh giúp đỡ cho nhân dân tạm thời khỏi lở sạt. Bão số 8 càng xé lở nữa nhân dân đóng góp công để trước mắt là chống qua cơn này.

Tại tỉnh Quảng Bình hiện còn hơn 100 tàu cá với gần 900 lao động đang hoạt động các vùng biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi và hướng dẫn các tàu đang hoạt động ngoài biển di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Hiện nay, các hồ chứa ở Quảng Bình đang ở mực nước thấp, có một số hồ chứa được Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi chủ động xả bớt nước để điều tiết lũ. Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho biết:Thực hiện nghiêm túc của công điện Trung ương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền xử lý  các tình huống xấu  có thể xảy ra, duy trì  phương tiện lực lượng cứu hộ cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của bão. Các hồ chứa Quảng Bình đang ở mực nước thấp. Các tàu đánh bắt xa bờ  công suất lớn đã  vào neo đậu từ tối hôm qua rồi./.