Mỗi dịp trung thu về, trẻ em đều háo hức với bánh nướng, bánh dẻo chuẩn bị mâm cỗ trông trăng và thứ không thể thiếu với các em là những món đồ chơi. Thế nhưng, ngày nay, sự xuất hiện của nhiều món đồ chơi điện tử đang làm mai một dần đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cá chép...

vov_24_efba.jpg
Đèn ông sao, đồ chơi trung thu truyền thống.

Cứ mỗi độ Trung thu tới, ngôi nhà của gia đình cô Nguyễn Thị Tuyến lại tất bật ngày đêm với những món đồ chơi dân gian, nào đèn ông sao, đèn con thỏ, con cá, con tôm, ông tiến sỹ giấy,…

Trò chuyện với chúng tôi, nhưng cô Nguyễn Thị Tuyến vẫn tiếp tục công việc của mình với những thanh tre nứa, giấy bóng kính, giấy màu đủ loại. Ít ai còn nhớ ra người phụ nữ ngoài 50 tuổi này là nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ nghề làm đồ chơi dân gian tại làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

“Thực ra là tôi chưa bỏ, suốt từ lúc ở với bố mẹ, bố mẹ là chủ chính thì mình là con mình phải làm phụ. Nhưng mà đến lúc tôi xây dựng gia đình cái là tôi chưa bỏ năm nào. Kể cả những cái lúc mà đi bán hàng chợ, mưa gió rồi là bán ế hàng hay là đắt hàng, chưa bỏ năm nào, nó là cái niềm đam mê của mình”, cô Tuyến nói.

Cô Tuyến cẩn thận, tỉ mỉ dán giấy bóng lên khung đèn.

Cô Tuyến chia sẻ, nghề của cô cũng có mùa vụ, cô bắt đầu làm từ cuối tháng 5 âm lịch. Làm đồ chơi dân gian là một nghề thủ công đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, lại không có người làm nên phải chuẩn bị từ sớm và hết rằm tháng 8 cũng là hết mùa Trung thu, khi đó gia đình cô mới được nghỉ ngơi.

Để làm được một chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ, trung bình cô Tuyến dành ra khoảng nửa tiếng và với một người bình thường sẽ là 2 đến 3 tiếng. Từ công đoạn vót tre, tạo khung cho tới dán giấy bóng kính và trang trí. Dành nhiều thời gian lại phải cẩn thận, nắn nót từng chút một nhưng mỗi thành phẩm cô Tuyến bán ra với giá rất rẻ, riêng nguyên liệu là 25.000 đồng còn đối với một cây đèn ông sao hoàn thiện cũng chỉ có giá 30.000 đồng. Thêm công làm nhưng cô Tuyến cũng chỉ thêm được số tiền ít ỏi là 5.000 đồng. Ấy vậy mà cô Tuyến đã duy trì công việc này trong suốt hơn 40 năm qua.

“Mỗi mùa Trung thu đến cũng có thể do chính bản thân tôi cũng yêu trẻ và cũng muốn giữ lại cái nghề dân gian nên là không hiểu sao sắp đến mùa Trung thu là nó lại thôi thúc bản thân tôi, xung quanh tôi ở cũng có nhiều hộ gia đình vẫn muốn mua những sản phẩm gia đình tôi làm nên tôi cũng vẫn làm. Tuy rằng không được nhiều, nhưng nó cũng vui đối với các cháu”, cô Tuyến cho biết.

Cẩn thận gắn từng mảnh giấy bóng kính lên chiếc khung hình ngôi sao, cô Tuyến cho hay mọi năm, cô và cả gia đình vẫn cùng nhau làm các món đồ chơi trung thu truyền thống, nhưng năm nay, các con cô vì bận bịu công việc nên cô lại lọ mọ một mình, có hôm cô thức tới 11h đêm để làm cố cho xong.

Cô Tuyến hướng dẫn cách làm đèn ông sao, đèn cá chép...cho các bạn trẻ.

Ngày nay, với sự xuất hiện của các món đồ chơi ngoại nhập nhiều mẫu mã bắt mắt, các phụ huynh cũng vì chiều con mà không còn đề cao đồ chơi dân gian như trước đây. Đó là nỗi trăn trở bấy lâu nay của cô Tuyến.

Thế nhưng, chưa bao giờ cô Tuyến thôi nuôi hi vọng truyền lại nét đẹp truyền thống dân tộc qua những món đồ chơi bằng tre nứa. Ngoài việc làm đèn tại nhà, cô Tuyến vẫn hay được viện Bảo tàng dân tộc học cũng như các trường học mời về để hướng dẫn các tình nguyện viên và các em nhỏ cách làm đồ chơi truyền thống mỗi dịp Trung thu.

Nhật Anh, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân – tình nguyện viên được cô Tuyến hướng dẫn làm đồ chơi trung thu truyền thống cho hay: "Thực ra em cũng rất thích làm đồ handmade và cũng muốn tìm hiểu về những cái đồ chơi truyền thống của Việt Nam nên là em thấy đây là một chương trình rất là hay. Chưa bao giờ em được tìm hiểu về đồ chơi dân gian nếu mà không tham gia những hoạt động như thế này.”

Cô Nguyễn Thị Tuyến, người phụ nữ được sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. Cô mang trong mình đam mê và ấp ủ một tình yêu da diết với những món đồ chơi đơn sơ, mộc mạc nhưng lại mang đậm cái hồn nước nhà. Bên cạnh đó cũng là nỗi lo lắng, trăn trở của người nghệ nhân về sự mai một của những nét đẹp mang giá trị văn hóa. Nhìn những đứa trẻ chăm chú làm đèn ông sao, bàn tay non nớt, vụng về nhưng đôi mắt lại tràn đầy sự háo hức, niềm vui trẻ thơ.

Cứ vậy, mỗi năm trung thu về, lại có biết bao nhiêu món đồ chơi hiện đại, hấp dẫn ra đời, nhưng cô Tuyến vẫn miệt mài với những cây đèn ông sao, những cây đèn con thỏ, con cá, con tôm, ông tiến sỹ giấy. Cô Tuyến vẫn miệt mài với hành trình lưu giữ và truyền lại giá trị, ý nghĩa của đồ chơi dân gian./.