Bài học lớn nhất của nhân dân ta là bài học đoàn kết. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris đã khẳng định như vậy trong cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của mình. Sách do nhà xuất bản Tri thức phát hành tháng 5/2012, dày hơn 400 trang, hé lộ nguồn gốc tạo nên sức mạnh đặc biệt của bà.

Cuốn sách cũng là sự gửi gắm những mong mỏi và tâm huyết của bà và thế hệ của mình-những con người đã dành cả tuổi xuân đấu tranh giành độc lập cho đân tộc đến các bạn trẻ-chủ nhân quyết định đến vận mệnh và sự phát triển của nước nhà.

Về cuốn hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Trong những ngày này, tôi nhớ đến kinh nghiệm của bản thân và những bài học của cuộc đấu tranh của nhân dân ta trước đây. Chúng tôi nghĩ bài học lớn nhất của nhân dân ta là bài học đoàn kết. Đoàn kết dân tộc vì một mục tiêu chung. Đó là phương châm của thắng lợi trong quá khứ. Bây giờ chúng ta đều hiểu rằng, sở dĩ mà chúng ta thắng ở trong hai cuộc kháng chiến là vì chúng ta có đoàn kết dân tộc vì một mục tiêu chung, vì độc lập tự do của đất nước. Chúng tôi nghĩ đó cũng sẽ là những phương châm của sự thành công trong hiện tại và tương lai”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng có 3 cơ sở để tạo nên đại đoàn kết dân tộc để tiếp tục phát triển. Chúng ta có chung một cội nguồn, chung một mối an nguy đối với thế lực bên ngoài và chung một tương lai huy hoàng cho đất nước. 3 cái chung đó nó gắn kết chúng ta trước đây và trong ngày hôm nay. Và niềm tin trước đây và hôm nay vẫn sẽ là sức mạnh tinh thần to lớn nhất của dân tộc ta.

“Tôi nghĩ để xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, để chúng ta đủ sức bảo vệ đất nước và có một xã hội trong đó mọi người dân được tự do, hạnh phúc và có thể góp phần vào tiến trình phát triển của đất nước thì chúng ta phải có những con người mới, có nhân cách, có dân trí cao. Những con người có lý tưởng và niềm tin. Đó là kinh nghiệm trước đây và chúng tôi tin rằng ngày nay và trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Bình nói.

Cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình gắn chặt với những sự kiện lịch sử quốc gia của thế kỷ 20, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến hơn 30 năm sau hòa bình. Qua cuốn hồi ký, bà muốn tri ân đến đồng chí, đồng bào đã hi sinh xương máu đem lại hòa bình độc lập cho đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bình tâm sự: “Chúng ta đã từng tạo được những lớp người Việt Nam làm nên những điều thần kỳ thì giờ đây chúng ta phải chuyển tinh thần đó vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Và tôi tin rằng nhân dân ta với truyền thống của mình, đặc biệt là thanh niên sẽ thực hiện được điều đó. Đó là những điều tôi muốn gửi gắm qua hồi ký của mình. Và tôi dám chắc rằng đó là những gì mà thế hệ chúng tôi mong muốn với thế hệ sau”.

Sau khi phát hành cuốn hồi ký, nhiều câu hỏi của các bạn đọc trẻ tuổi đã được gửi đến bà, hỏi về những điều tiếc nuối cũng như nếu bây giờ, trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, bà 20 tuổi, bà sẽ làm gì? Bà Nguyễn Thị Bình nêu ví dụ, nếu bà giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh thì trong đàm phán Paris đã có thể làm được nhiều điều tốt hơn cho đất nước và nếu giờ bà trẻ lại như các bạn thanh niên bà sẽ trau dồi kiến thức thật tốt để cống hiến cho đất nước.

Bà cũng cho rằng: “Là người biết tự trọng thì luôn phải biết tự phê bình, không cần phải báo cáo với ai là mình đã tự phê bình như thế nào, mà là để thấy được những gì mình làm chưa tốt để lần sau làm tốt hơn".

Những ai còn băn khoăn về bản thân và thời cuộc khi đọc cuốn hồi ký "Gia đình, đất nước và bạn bè" của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình sẽ tìm thấy một lời khuyên giản dị của bà. Đó là: điều gì có lợi cho đất nước thì nên làm, điều gì có hại thì không nên./.