Tết cổ truyền dân tộc đang đến rất gần, trên mỗi con phố, ngõ nhỏ không khí xuân đang tràn ngập khắp nơi. 18h chiều 30 Tết, nhiều gia đình ở làng quê Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã lên nhang trên bàn thờ Tổ tiên, mùi hương trầm phảng phất trong tiết trời xuân, đâu đó đã vang lên tiếng chúc tụng nhau trong bữa cơm đoàn viên.

Gia đình ông Phạm Văn Định (Yên Định, Thanh Hóa) có 4 thế hệ cùng chung sống, nên những ngày này, đã thành truyền thống, các thành viên dù đi làm, đi học xa, bận rộn mấy thì cũng cố gắng về tụ họp với gia đình trong khoảnh khắc quan trọng này. Vậy nên, gia đình ông rất coi trọng mâm cơm chiều cuối cùng của năm cũ, đây cũng là khoảng khắc đáng trân trọng nhất trong cả năm dài.

Ngay từ sáng sớm ngày 30 Tết, bà Liên (vợ ông Định) đi chợ mua nốt những thứ cần thiết như thịt lợn, gà, trầu cau, rau quả, hoa tươi… chuẩn bị làm bữa cơm tất niên cho cả gia đình. Năm nay, gia đình người con gái lớn của ông bà từ Thủ đô về quê ăn Tết nên ông bà làm thêm nhiều món ăn ngon cho các thành viên trong gia đình thưởng thức. Bọn trẻ ở xa rất thích thú với không khí Tết ở làng quê nên tíu tít phụ giúp ông bà, các cậu, các dì trang trí nhà cửa, chuẩn bị nấu nướng, không ngơi miệng hỏi han những thứ ở Thủ đô mà chúng chưa được thấy bao giờ.

 tet.jpg
Mâm cơm tất niên nhà ông Phạm Văn Định tươm tất với các món ăn quê nhà 

 Ông Định tâm sự: "Dù bận rộn đến đâu, đến 30 Tết, các con cháu trong gia đình đều phải có mặt ở nhà để làm mâm cơm tất niên. Trước là để cúng dâng lên Tổ tiên mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu, sau 1 tuần nhang, các con cháu trong gia đình lại sum họp cùng ăn bữa cơm tất niên ấm cúng".

Vừa làm cỗ cúng, bà Liên cho biết, món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng ở làng quê Yên Định là món bánh lá được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn, mục nhĩ, gia vị. Ngoài ra, mâm cơm còn có các sản vật quê nhà, được người nông dân tự tay vun trồng như món gà trống luộc, bánh chưng xanh, giò chả, đĩa rau xanh, cơm trắng, đĩa nem nướng - món truyền thống của người Thanh Hóa. Khi 1 tuần nhang đã tàn, mâm cơm được hạ xuống từ bàn thờ Tổ tiên, ông bà thông báo cho mẹ già, con gái, con trai, con rể, các cháu cùng ăn chung bữa cơm.

“Bữa cơm tất niên cũng là dịp để chúng tôi dạy con cháu tập tục của ông bà. Mai này tôi có "đi xa" chúng còn biết giữ lấy truyền thống của tổ tiên", ông Định thổ lộ.

 
 Nhà nhà, dù ít dù nhiều cũng phải chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà Tổ tiên đầy đủ, tươm tất

Gia đình anh Nguyễn Đình Phương cũng khá bận rộn ngày cuối năm. Hai vợ chồng buôn bán nhỏ nên vẫn phải tất bật bán hàng, vừa tranh thủ dọn dẹp trang trí nhà cửa. Mặc dù bận bịu, song chiều 30 Tết, vợ chồng anh vẫn chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng cúng ông Công, ông Táo sau đó lại trở về nhà bố mẹ cách đó 30km để ăn bữa cơm cuối cùng của năm cũ bên gia đình.

“Ngày Tết đi lại vất vả, song chúng tôi không thể vắng mặt trong bữa cơm 30 Tết. Đời sống vật chất bây giờ không còn thiếu thốn như ngày xưa, bữa cơm cũng có nhiều món ăn ngon hơn trước, nhưng quan trọng nhất vẫn là không khí đoàn tụ, được quây quần bên bố mẹ, ông bà, con cháu khiến mình quên đi mệt mỏi, phiền hà, để thấy cuộc sống ý nghĩa, tình cảm, yêu thương nhau hơn”, anh Phương chia sẻ.

Trong không khí ấm áp, khói trầm thơm ngát, con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến những điều chưa hoàn thành và niềm hy vọng về một năm mới thuận lợi, bình an… Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, phấn đấu làm ăn, công tác tốt, học hành giỏi giang.

Mùi trầm hương quyện vào khí xuân, tiếng chúc tụng nhau vang lên trong bữa cơm đoàn viên lên dưới mỗi nếp nhà đủ cho lòng người ấm lại, tình cảm gia đình ngày càng thắt chặt, cùng gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương./.