Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, quý I/2015 xảy ra hơn 5.850 vụ tai nạn giao thông, làm 2.345 người chết, gần 5.500 người bị thương.
So với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông đã giảm cả ba mặt, giảm 731 vụ (11,11%), giảm 82 người chết (3,38%) và giảm 974 người bị thương (15,07%).
Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi (từ ngày 15/2 đến ngày 23/2) cả nước xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, làm chết 317 người, bị thương 509 người. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 4 vụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam làm chết 14 người, bị thương 1 người.
Mặc dù, tình hình trật tự an toàn giao thông quý I/ 2015 có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, số người chết vì tai nạn giao thông chỉ giảm được 3,8% so với cùng kỳ năm 201. Tai nạn giao thông đường thủy tăng cao, lên đến 53,33%.
Đặc biệt, trong tháng 3, tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, so với tháng 3/2014, số người chết tăng đột biến là 169 người. Vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 16 tỉnh tăng trên 10% là: Đồng Tháp; Bắc Giang; Hưng Yên; Phú Yên; Hòa Bình; Nam Định; Trà Vinh; Quảng Ninh; Kon Tum; Vĩnh Long; Bắc Kạn; Bình Dương; Hải Dương; Gia Lai; Bắc Ninh; An Giang. Trong đó, có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang.
Những hành vi vi phạm trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông phổ biến là đi không đúng phần đường, làn đường (28,3%), vi phạm quy định về tốc độ (10%) ; phương tiện gây tai nạn giao thông chủ yếu là mô tô, xe gắn máy chiếm gần 67,7% và ô tô chiếm gần 26,3%. Địa bàn xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu là khu vực ngoài đô thị (69,5%), trong đó: trên quốc lộ (34,83%), tỉnh lộ 17%, đường thôn, xã 12,8%. Thời gian chủ yếu xảy ra tai nạn giao thông là vào ban đêm (từ 18h đến 6h sáng hôm sau là 51,45%) và buổi chiều (12h - 18h là 32,1%)./.