Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 11, sáng 15/10, có 2 người chết tại Quảng Nam và 11 người bị thương tại Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền cơ sở các tỉnh có bão đi qua phải tổ chức kiểm tra ngay nhà đổ, tốc mái, cứu trợ người bị thương; giải tỏa giao thông trên tuyến quốc lộ 1A khi ngớt gió.
Nhà dân ở Đà Nẵng bị tốc mái hàng loạt |
Thành phố Đà nẵng hiện vẫn mất điện trên diện rộng, 2 nhà máy nước lớn nhất của thành phố là Cầu Đỏ và Sân Bay đã bị mất điện nên không thể vận hành, các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục và sẽ có thể sử dụng máy phát điện để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.
Hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Nam bị sập, tốc mái
Trong đêm 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất to, gió rất mạnh, đặc biệt là trong thời gian rạng sáng ngày 15/10, khi bão số 11 đổ bộ vào Quảng Nam với lốc mạnh kèm mưa to đã làm cho hàng nghìn ngôi nhà dân, trường học bị sập và tốc mái hư hỏng nặng; cây cối ngã đổ ngổn ngang đầy đường, nhiều tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ và Hội An bị ngập sâu trong nước.
Tại thành phố Tam Kỳ, cây cối ngã đổ đè lên nhà dân rất nguy hiểm. Mưa bão gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường. Tại nhiều đoạn ở đường Hùng Vương nước ngập từ 30 cm đến 50 cm, gây ách tắc giao thông cục bộ. Toàn tỉnh Quảng Nam đã mất điện từ đêm 14/10.
Anh Nguyên Hồng Sơn, trú xã Tam Phú ( huyện Tam Kỳ) cho biết : Nhà tôi mái tôn đã bị bão cuốn bay từ rạng sáng ngày 15/10. Gia đình phải dìu nhau sang nhà hàng xóm tránh mưa bão. Cây cối trong vườn hầu như đã gãy đổ hết.
Hầu như trên các tuyến đường của thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, cây cối gãy đổ la liệt, kéo theo hệ thống dây điện bị cắt đứt.
Trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và những huyện lân cận như Phú Ninh, Núi Thành... đã có hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái.
Sáng ngày 15/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tỏa đi đến hiện trường các địa phương bị thiệt hại do bão số 11 gây ra để trực tiếp chỉ đạo khắc phục, sớm đưa nhân dân ổn định cuộc sống.
Một số tuyến đường ở Huế bị ngập |
Một số tuyến đường ở TP Huế ngập cục bộ
Từ đêm 14/10, gió đã mạnh dần lên ở TP Huế, mưa to đến rất to đã làm một số con đường trên TP ngập cục bộ. Sáng 15/10, mưa gió vẫn rất mạnh, đường phố vắng bóng người, cây xanh đổ khắp nơi. Nhiều người dân dầm mình trong mưa bão để mua thức ăn dự trữ trong những ngày mưa bão.
Sáng 15/10, tại cuộc họp giao ban của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý, không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn. Vì vậy, các địa phương ở Trung trung bộ và miền Trung cần đảm bảo an toàn các hồ chứa và điều tiết nước hợp lý, giảm áp lực lũ cho hạ du.
Theo đánh giá chung, các địa phương đã thực hiện nghiêm Công điện 1616 của Thủ tướng về công tác chỉ đạo ứng phó với diễn biến bão số 11 và các Công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương.
Ứng phó bão số 11, lực lượng biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 68.000 phương tiện với gần 293.000 người vào neo đậu tại các bến để trú, tránh bão. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã chủ động sơ tán, di dời hơn 34.000 hộ với khoảng 124.000 người đến nơi an tòan. Sẵn sàng đối phó các tình huống mưa bão Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nãng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo cho thấy, hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên.
Dự báo đến chiều tối 15/10, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3. Ở khu vực Tây Nguyên,, các hồ chứa vừa và lớn hầu hết dung tích trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có 5 trong số 13 hồ lớn đã đầy và qua tràn như: Đắc Uy, Đắc Yên (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai) Hồ Buôn Yong, Ea Kao (Đắc Lắc). Về hồ thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên hiện 14/20 hồ trong khu vực đang xả nước điều tiết. Từ tối qua đến sáng nay, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 90mm đến 110mm….
Nhiều cây xanh ở Huế bị đổ |
Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý: Dự báo mưa sẽ từ 200-400mm, có nơi mưa cục bộ đến 500mm, đặc biệt là các vùng từ Thanh Hóa trở vào hiện nay các hồ chứa thủy lợi tương đối đầy, và những khu vực này mưa kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất. Vì vậy khu vực này cần phải lưu ý đảm bảo an toàn hồ, lũ quét, sạt trượt đất. Yêu cầu Tổng cục thủy lợi liên hệ với các chủ hồ và các Ban quản lý để xả nước đón mưa, về phía trực ban văn phòng liên hệ trực tiếp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để đôn đốc và nắm tình hình.
Hiện nay, bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, và sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở các tỉnh Bắc và Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to./.