Hôm nay (13/1), tại Hà Nội, diễn ra hội thảo “Sức khỏe và An toàn Thực phẩm” Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam tổ chức với sự đồng hành tài trợ của nhãn hàng Nam Ngư. 

Mục đích của hội thảo nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe thông qua bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền sắp tới.

hoi_thao_idfc.jpg

Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu dùng. Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ là lực lượng lao động có mặt trên tất cả lĩnh vực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm và tiêu dùng. Chị em còn là người trực tiếp chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua bữa ăn hằng ngày. Vì vậy, nếu được cung cấp thông tin, kiến thức khoa học, phụ nữ sẽ phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo an toàn; đồng thời phụ nữ sẽ là những người tiên phong và chắc chắn họ sẽ tạo được những chuyển biến vô cùng to lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, Hội LHPN Việt Nam đã xác định công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội, góp phần “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe con người. Chính vì thế, người nội trợ cần đặc biệt chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn cho các bữa ăn hằng ngày của gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền sắp đến.

Theo bà Tuyết Mai, thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người nhưng cũng là nguồn gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh. Bà Mai khuyến cáo, không có thực phẩm nào được coi là có giá trị dinh dưỡng nếu nó không đảm bảo vệ sinh. 

Bà Mai dẫn chứng: 70% dân số sống ở nông thôn, trong đó trên 90% làm nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn là lực lượng chính sản xuất ra thực phẩm ở nước ta và họ tham gia vào hầu hết các công đoạn trong sản xuất nông nghiệp: gieo trồng, phun thuốc, bảo quản, thu hoạch, tiêu thụ.

“Phụ nữ là người đóng vai trò chủ yếu trong mua sắm thực phẩm trong gia đình và là người chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Đặc biệt, họ còn thờ ơ với sản phẩm không an toàn, chấp nhận mua thực phẩm kém chất lượng với giá rẻ. 

Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm, bà Lê Thị Hồng Hảo cũng khuyến cáo cán bộ, hội viên phụ nữ nên chọn mua những loại thực phẩm đã được chứng nhận và kiểm nghiệm bởi cơ quan chức năng.

Cũng tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đã khuyến cáo chị em cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ những nhãn hàng uy tín, đã qua kiểm nghiệm, tránh sử dụng các mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bữa cơm ngày Tết được an toàn và trọn vẹn hơn./.