Câu nói của chị Nguyễn Thị Mận cứ xoáy sâu vào lòng và ám ảnh mãi trong tôi. Bôn ba tận thành phố Hồ Chí Minh để làm việc từng ngày, chị chỉ mong kiếm được thêm ít tiền cho con gái mình được phẫu thuật chỉnh hình, trở lại hình hài như những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng mong ước ấy quá xa xôi bởi số tiền cho ca phẫu thuật này theo ước tính lên đến gần 100 triệu đồng.

Bất hạnh của 1 gia đình nông dân nghèo

Từ thành phố Tam Kỳ, chúng tôi vượt đoạn đường dài gần 100 km để đến với thôn An Định, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nơi cả gia đình chị Nguyễn Thị Mận đang chung sống trong 1 căn nhà tạm bợ mưa dột nắng xiên. Tiếp chúng tôi là Bà Nguyễn Thị Hòa và ông Nguyễn Khái - bố mẹ của chị Mận. Bà Hòa thì đang bế đứa con gái tật nguyền của chị Mận. Ông Khái thì đang cố di chuyển chiếc xe lăn một cách rất khó khăn từ ngoài sân vào nhà. Chị Mận đã vào TP HCM để mưu sinh từ sau Tết nguyên đán Tân Mão 2011.

Ông Khái vốn sinh ra đã bị tật bẩm sinh, tay chân cử động rất khó khăn vì xương và cơ không phát triển được như một người bình thường. Khi trưởng thành, lấy vợ, sinh con thì cả 4 người con của ông (trong đó có chị Nguyễn Thị Mận) đều ảnh hưởng gen di truyền cha mình. Nhưng đều đi đứng và cử động khó khăn hơn ông rất nhiều. Nhà thuần nông, 6 người thì đã có 5 người tật nguyền, không đến nỗi nằm 1 chỗ nhưng cũng không làm được gì nặng. Vậy mà họ đùm bọc, bảo ban, nuôi nấng nhau vượt qua biết bao khó khăn, thăng trầm của cuộc sống.

Nhưng trời cũng không thương, bất hạnh cứ liên tiếp đổ xuống đầu gia đình ông. Năm 1998, trong lúc làm việc tại một mỏ than nhỏ ở quê, ông Nguyễn Khái bị sập hầm, cột sống bị chấn thương nghiêm trọng. Gia đình đưa ông ra các bệnh viện và trung tâm chỉnh hình thành phố Đà Nẵng cấp cứu và điều trị. Nhưng, sau gần nửa năm, ông đành trở về nhà với trạng thái liệt hoàn hoàn 2 chi dưới. Nhà ông đã khổ, giờ lại rơi vào vào cùng cực hơn. Ông lúc ấy một mực đòi để ông chết đi cho gia đình bớt khốn đốn, nhưng vợ con khóc lóc khuyên bảo, dần dần ông cũng nguôi.

May mà trong lúc sa cơ, vẫn có những người thiện tâm giang tay, mở lòng giúp gia đình ông Khái xây dựng ngôi nhà tạm. Người con lớn của ông giờ đã có gia đình nhưng cả vợ và con cũng đều tàn tật. 2 người con trai sau của ông Khái tuy rất khó khăn trong việc tìm chỗ làm nên phải bôn ba mưu sinh ở thành phố Đà Nẵng. Đến lượt chị Mận lập gia đình, sinh con, nỗi đau một lần nữa đến với gia đình ông Khái... 

d.JPG

Cháu An trong vòng tay bà ngoại

Nỗi đau của 1 người mẹ trẻ

Là một cô gái tật nguyền lớn lên trong gia đình vô cùng khó khăn, chị Mận đã phải nghỉ học khi vừa xong lớp 12, đúng thời điểm người cha yêu quý của mình bị tai nạn. Vượt qua những khó khăn vô vàn của bản thân và gia đình, dù chân đi lại khó khăn, chị vẫn làm việc để nuôi sống bản thân và hướng tới hạnh phúc mà bao nhiêu người cũng mong muốn.

Năm 2008, mặc dù nhiều người ngăn cản, tình yêu của chị và người chồng hiện nay là anh Trương Ngọc Quỳnh (trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đi đến hôn nhân. Nhiều người đã lo sợ di chứng tật nguyền của gia đình chị sẽ truyền sang đến đời thứ 3, như vậy bất hạnh sẽ chồng lên bất hạnh. Nhưng sức mạnh của tình yêu đã vượt qua được những định kiến, những ngăn cản của mọi người. Quen nhau trên mạng internet, đồng cảm, sẻ chia, họ yêu nhau và thuyêt phục hai bên gia đình để được đến với nhau. Niềm vui như vỡ òa trong ngày cưới của chị Mận. Nhưng rồi, nỗi đau lại hiện hình một cách nhanh chóng và khốc liệt nhất.

Cháu Trương Nguyễn Khánh An, con gái đầu của hai anh chị, ngay từ sinh ra đã có những biểu hiện không bình thường ở tứ chi. Chị Mận đã vô cùng bàng hoàng khi nhận ra con gái mình mang những dị tật giống như mình, mà có khi còn nặng hơn. Hai tay cháu không thể co duỗi bình thường được. Hy vọng có thể chữa trị cho con mình ngay từ khi còn nhỏ, năm 2009, khi vừa sinh con được vài tháng, chị đã bồng cháu An từ quê ra Trung tâm chỉnh hình thành phố Đà Nẵng. Ở đây, chị nhận được những cái lắc đầu và sự bất lực của bác sĩ sau khi thẩm định cháu An bị dính cơ xương tay, mất khả năng co hai tay lại.

Sau 1 thời gian, không nản lòng, chị lại cùng con nhỏ vào TP HCM khám và hy vọng được phẫu thuật chỉnh hình. Ở đây, các bác sỹ hẹn chị tháng 11/2011 trở lại khám cho cháu, nhưng chi phí ca phẫu thuật dự tính lên đến gần 100 triệu đồng. Vậy là từ sau Tết Tân Mão 2011, chị Mận vào TP HCM, gửi con nhỏ lại cho mẹ già cha yếu để làm tạp vụ cho 1 trường cấp III. Thu nhập không bao nhiêu mà chi phí thì nhiều, lại phải gửi 1 phần về để cha mẹ lo cho con. Chồng chị cũng đang ở Vũng Tàu, cật lực làm việc để mong cùng vợ kiếm tiền lo cho con gái phẫu thuật. Nhưng cả hai người đều lao động phổ thông, việc làm bấp bênh và lương ít, lo cho mình đã còn chưa có dư…

Chị Mận nức nở chia sẻ với chúng tôi: “Thật sự giờ tôi không biết làm sao để có tiền phẫu thuật cho con mình. Mà để nó càng lớn lên thì mức độ rủi ro trong phẫu thuật càng cao. Nếu được, tôi xin hy sinh tất cả để mong con gái mình lành lặn bình thường như bao đứa trẻ khác. Người ta mong nhà cao cửa rộng, xe hơi hay sống lâu. Tôi giờ chỉ mong sức khỏe cho con mình...mà khó quá..”.

Khi chúng tôi đến nhà chị Mận ở xã Đại Đồng, cháu An đang cầm hộp sữa uống một cách rất khó khăn, bước đi với đôi bàn chân nửa úp nửa ngửa. Đôi tay cháu không thể nào co lại được. Hai ông bà già nhìn cháu mình mà ứa nước mắt. Ông Khái bám chặt đôi tay vào bánh xe lăn như giấu đi nỗi đau không thể cất thành lời. Bà Hòa thì khuôn mặt gầy gò qua những vất vả, khổ cực giờ lại thêm những vết hằn đầy lo âu cho đứa cháu gái của mình. Hoàn cảnh của gia đình ông Khái và nhất là 2 mẹ con chị Mận rất đáng thương tâm. Rất mong được sự đồng cảm, sẻ chia của mọi tấm lòng hảo tâm để bé Khánh An được phẫu thuật, để được phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Để nỗi đau của gia đình 3 đời tàn tật này được vơi bớt.

Mọi sự giúp đỡ, xin vui lòng liên hệ: Chị Nguyễn Thị Mận, số điện thoại: 01228738619./.