VOA News đưa tin, khảo sát của Google cho thấy người dân Việt Nam dành nhiều thời gian xem YouTube hơn so với các quốc gia khác. Dân số đứng thứ 14 trên thế giới, nhưng Việt Nam lại nằm trong 10 thị trường hàng đầu của YouTube tính theo số giờ người dân dành để xem các clip video trên trang mạng này.
Dịch vụ ngoại mạng “ăn khách”
Nguyễn Phương Anh, người phụ trách tiếp thị ở Việt Nam của công ty mẹ YouTube là Google, cho hay, năm ngoái Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 120% về số giờ xem, trong khi tỷ lệ tăng trưởng trên toàn thế giới là 50%.
Góp phần vào thành tích này phần lớn là việc khai trương tên miền “.vn”, giúp nhiều người Việt tìm thấy nhiều nội dung liên quan đến Việt Nam hơn, đồng thời họ có thể tải lên nội dung Việt Nam và kiếm tiền trên đó, Phương Anh chia sẻ.
Các quan chức và đối tác của Google mừng sinh nhật YouTube 1 năm với phiên bản Việt. (Ảnh: Lien Hoang/VOA News). |
YouTube hiện có trang web địa phương ở 73 quốc gia, và Việt Nam là một trong những thí điểm để YouTube thử nghiệm các dịch vụ ở các thị trường mới nổi. Dịch vụ “ngoại mạng” (hay ngoại tuyến – ofline) được YouTube bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ hồi tháng 4, giúp người dân có thể lưu lại các đoạn video để xem khi họ không vào mạng Internet.
Cước phí dữ liệu rẻ nhưng hạn chế, do đó người sử dụng ở Việt Nam thường dùng điện thoại thông minh ké vào mạng Internet không dây ở các quán cà phê. Wifi nằm trong trông đợi của khách hàng, và đã trở thành phổ biến đến mức ngay cả những cửa hàng bán rong dọc đường cũng có thể truy cập Internet nhờ Wifi mở ở các quán bên đường. Đó là lý do vì sao dịch vụ YouTube ngoại mạng đã được khởi động ở Việt Nam.
Người dân ở Việt Nam thường truy cập mạng một cách tạm thời bằng điện thoại thông minh, khiến cho các chức năng ngoại mạng trở nên hữu dụng.
Lý do giúp YouTube “cất cánh”
Lisa Nguyen, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty bán lẻ trực tuyến Chợ Tốt, cho biết: “Internet, nhất là Internet di động, đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Mặc dù chúng tôi bắt đầu có thể hơi chậm do với một vài nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng điều đó lại giúp chúng tôi tăng trưởng nhanh hơn nhờ kỹ thuật có sẵn.”
Cũng như nhiều thị trường mới nổi khác, người dân ở Việt Nam thường sở hữu điện thoại di động hơn là laptop. Theo nghiên cứu thị trường mới đây của công ty GfK (Đức), Việt Nam có thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Đại diện của YouTube nhận định, dân số trẻ say mê kỹ thuật đã khiến cho YouTube trở nên hấp dẫn ở Việt Nam. YouTube cho hay, người sử dụng đã tải 400 giờ video mỗi phút, so với mức khoảng 70 giờ cách đây 5 năm.
Nguyễn Hoàng Long, quản lý thương hiệu cấp cao của công ty nước mắm Nam Ngư, đoạt một giải thưởng của YouTube nhờ phần quảng cáo thương mại, nói: “Không có nhiều chọn lựa cho người tiêu dùng. Chỉ có một số ít các trang web video, nhưng không lớn bằng.”
Một lý do khác khiến YouTube “cất cánh” ở Việt Nam là do người địa phương thích kinh doanh, ưa khám phá và say mê giáo dục, vì thế họ rất thích các băng video chia sẻ bí quyết. Người xem các clip “giáo dục” ở Việt Nam có tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương./.