Theo South China Morning Post, Huawei Technologies đang bán điện thoại thông minh đã qua sử dụng và cấp phép thiết kế thiết bị cầm tay cho các đối tác, điều này diễn ra giữa lúc công ty phải vật lộn để tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến cho việc sản xuất các thiết bị khác nhau.

Huawei bắt đầu cung cấp một số mẫu điện thoại thông minh Android đã qua sử dụng trên cửa hàng trực tuyến Vmall vào tuần trước. Mỗi mẫu đều có pin hoàn toàn mới, nền tảng Harmony OS 2.0 do công ty tự phát triển và bảo hành một năm.

Đối tác của Huawei là TD Tech cũng tung ra một đợt presale (hoạt động tiền bán hàng để chào mời khách) trên Vmall cho điện thoại thông minh N8 Pro, phiên bản giống với Nova 8 Pro 5G của Huawei. Chiếc N8 Pro được trang bị chip Kirin 985 5G của HiSilicon, đơn vị thiết kế bán dẫn của Huawei. Mặc dù N8 Pro nhanh chóng bị xóa khỏi Vmall sau khi thu hút sự quan tâm của người dùng trực tuyến, nhưng điều đó cho thấy Huawei đã bắt đầu cấp phép thiết kế điện thoại của mình cho các nhà cung cấp bên thứ ba.

Việc bán điện thoại đã qua sử dụng và trường hợp N8 Pro phản ánh chiến thuật mới nhất của Huawei nhằm mở rộng nguồn doanh thu, đồng thời nỗ lực để duy trì sự phù hợp trong thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Huawei hiện không có bình luận gì liên quan đến vấn đề này.

Theo Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của công ty nghiên cứu Canalys, mục đích của việc chuyển sang kinh doanh điện thoại thông minh đã qua sử dụng là để thu hút đối tượng khách hàng riêng của Huawei, ngăn họ chuyển sang các nhà cung cấp điện thoại Android đối thủ ở Trung Quốc.

Theo chuyên gia phân tích cấp cao Ivan Lam của Counterpoint Research, Huawei chiếm tới 27% thị phần trên thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc vào thời điểm đỉnh cao hồi tháng 9.2020, nhưng chỉ chiếm 7 đến 8% trong quý 3/2021. Ông Lam dự kiến con số này sẽ tiếp tục giảm trong quý hiện tại, và cho rằng Huawei không có khả năng sản xuất điện thoại thông minh 5G với số lượng lớn nữa.

Mặc dù việc cấp phép thiết kế điện thoại có tiềm năng trở thành ngành kinh doanh khả thi cho Huawei, nhưng nó có thể khiến các đối tác như TD Tech gặp rủi ro trước sự giám sát của Mỹ. “Đây vẫn là một khu vực rất nhạy cảm. Các công ty không muốn trở thành tâm điểm chú ý”, ông Lam nói.

Kể từ cuối năm ngoái, Huawei đã theo đuổi nhiều sáng kiến ​​để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Chúng bao gồm việc mở rộng hoạt động dịch vụ đám mây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cung cấp thêm trạm gốc 5G và thiết bị mạng lõi cho các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc, gia tăng thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế, thiết lập quan hệ đối tác cho nền tảng di động HarmonyOS và thoái vốn kinh doanh thương hiệu điện thoại thông minh giá rẻ Honor./.