Sứ mệnh Artemis I đánh dấu chuyến bay đầu tiên kết hợp của tên lửa đẩy SLS và tàu vũ trụ Orion, sứ mệnh này được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới đầy tham vọng để phát triển các chương trình đưa con người vào không gian thời kỳ hậu Apollo của NASA, sau nhiều thập kỷ chỉ tập trung vào quỹ đạo tầm thấp của Trái đất với các dạng tàu thám hiểm con thoi và Trạm Vũ trụ Quốc tế. Được đặt tên theo nữ thần thời Hy Lạp cổ đại và là chị em song sinh của nữ thần Apollo - Artemis nhằm mục đích đưa các phi hành gia trở lại bề mặt mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025.
Vào 8h40 ngày 26/11 (giờ miền Đông nước Mỹ), tàu vũ trụ Orion thuộc sứ mệnh Artemis I đã lập kỷ lục mới đạt khoảng cách xa Trái Đất nhất. Tính đến 10h17 cùng ngày, Orion có khoảng cách 401.798 km so với Trái Đất. Và cho tới 17h chiều 29/11, Orion đạt khoảng cách hơn 434.000 km so với Trái Đất.
Quản trị viên của NASA – ông Bill Nelson cho biết: “Thứ Bảy vừa qua, Orion đã vượt qua kỷ lục về khoảng cách của tàu vũ trụ với Trái đất, trước đó đã được thiết lập bởi Apollo 13. Và ngày 29/11, Orion đã thiết lập một kỷ lục khác, xác định khoảng cách tối đa từ Trái đất là 270.000 dặm. Chúng ta không chỉ đi xa hơn và về nhà nhanh hơn, Artemis còn mở đường cho việc sống và làm việc trong không gian sâu thẳm – một môi trường khắc nghiệt, tạo tiền để cho mục tiêu tiếp tục đưa con người đến sao Hỏa”.
Sứ mệnh Artemis I nhằm thử nghiệm các hệ thống của Orion, một trong những quy trình bao gồm đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo nghịch hành xa (distant retrograde orbit - DRO). Theo NASA, quỹ đạo này có độ cao lớn so với bề mặt Mặt Trăng, hướng di chuyển của tàu vũ trụ ngược hướng quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất. So với Apollo, sứ mệnh Artemis có tầm nhìn xa hơn và đã thu hút được các đối tác thương mại như SpaceX của Elon Musk và các cơ quan vũ trụ của châu Âu, Canađa và Nhật Bản. Mặc dù không có phi hành đoàn trên tàu, nhưng Orion mang theo 3 hình nộm mô phỏng phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên Orion.
“Tất nhiên, như chúng tôi đã nói ngay từ đầu, vì đây là chuyến bay thử nghiệm, nên điều chúng tôi muốn thử nghiệm và quan trọng nhất là khả năng tàu vũ trụ quay trở lại Trái Đất, nhằm kiểm tra hiệu năng của tấm chắn nhiệt ở nhiệt độ khoảng 5.000 độ F, gần bằng một nửa so với sức nóng của mặt trời" - đại diện NASA cho biết.
Nếu nhiệm vụ thành công, Artemis I sẽ là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc. Chuyến bay của phi hành đoàn Artemis II quanh mặt trăng sẽ được triển khai sớm nhất là vào năm 2024. Đến 2025, chuyến bay Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần tiếp theo sau 50 năm. Ngoài ra, việc đưa các phi hành gia lên sao Hỏa dự kiến sẽ mất ít nhất một thập kỷ rưỡi nữa để hoàn thành./.