Tất nhiên, trước đó tài khoản TikTok Nờ Ô Nô cũng đã bị khóa vĩnh viễn. Nhưng liệu mức phạt này đã đủ sức răn đe những kẻ làm nội dung bẩn trên mạng xã hội?
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - (Công an TP.HCM), đã phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP.HCM, mời chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô - ông Phạm Đức Tuấn (26 tuổi, quê Kiên Giang) lên làm việc. Nội dung chính của buổi làm việc là hành vi hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc", theo Điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020.
Trong nhiều video đăng tải trên tài khoản TikTok Nờ Ô Nô về các hoạt động từ thiện của mình, ông Phạm Đức Tuấn đã có những lời lẽ miệt thị, xem thường người khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Tất cả các hành vi nói trên đã được thừa nhận bởi ông Phạm Đức Tuấn, đồng thời ông cam kết không tái phạm, chất hành việc xử lý của cơ quan chức năng.
Sau vụ việc của tài khoản TikTok Nờ Ô Nô, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT Thành phố cùng các cơ quan liên quan rà soát, xác minh, xử lý đối với các tài khoản mạng xã hội có hành vi tương tự.
Đây là hành động cần thiết để loại bỏ các nội dung bẩn, gây tác động xấu đến giới trẻ và xã hội. Tuy nhiên, liệu các mức phạt như khóa tài khoản vĩnh viễn và phạt hành chính 7,5 triệu đồng liệu đã đủ sức răn đe đối với những kẻ làm nội dung bẩn?
Không khó để tìm thấy rất nhiều nội dung “rác” trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook hay YouTube. Những đoạn video được quay, cắt ghép với nội dung xấu và độc hại luôn có lượng người xem và tương tác rất cao. Khi có lượng người xem cao, các tài khoản này có thể thu lợi lớn nên vẫn bất chấp pháp luật để tiếp tục làm các nội dung xấu. Đây thực sự là một vấn nạn cần được quan tâm và xử lý nghiêm bởi các cơ quan chức năng.
Theo anh Nguyễn Tuấn Minh - Mễ Trì Thượng (Hà Nội), anh hy vọng qua đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các TikToker để làm các clip, video có chất lượng hơn không vì câu view mà bất chấp mọi thứ.
"Tôi hy vọng sắp tới sẽ có những hình thức xử lý nghiêm hơn với những trường hợp tương tự để có thể mang tính răn đe cao hơn" - anh Minh bày tỏ.
Cùng quan điểm với anh Minh, chị Nguyễn Thị Thảo - Cầu Diễn (Hà Nội) cho biết, mong cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý các kênh TikTok, Facebook, Youtube... có các hình phạt cao hơn và đủ sức răn đe hơn để tránh có trường hợp tương tự. Đồng thời có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các nội dụng được đăng tải để không ảnh hưởng đến giới trẻ.
"Hiện nay các clip, video trên mạng xã hội như TikTok, Youtube, Facebook... được rất nhiều trẻ em, thanh thiếu nhi xem và sử dụng. Vì vậy nếu không có sự kiểm duyệt, quản lý sát sao thì những nội dung bẩn rất dễ được lan truyền và tạo những hình ảnh xấu gây ảnh hưởng thói quen, tâm lý của người xem. Vì vậy, tôi hy vọng qua trường hợp này và rất nhiều trường hợp khác sẽ được xử lý nghiêm để làm gương. Không để các clip, video có nội dung bẩn, độc hại được chia sẻ rộng rãi" - chị Thảo chia sẻ.
Những nội dung bẩn trên mạng xã hội không chỉ gây bức xúc đối với người xem, mà nó còn ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, đối tượng sử dụng mạng xã hội rất thường xuyên. Vì một môi trường internet lành mạnh, tốt đẹp, hãy loại bỏ ngay những kẻ làm nội dung bẩn. Có thể áp dụng những mức phạt cao hơn, mang tính răn đe mạnh hơn./.
TikToker Nờ Ô Nô hay còn được biết đến với tên gọi Tuấn Brice, vốn là một TikToker chuyên đi review các quán ăn. Gần đây, Nờ Ô Nô được netizen chú ý vì đoạn video “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó”.
Tuy nhiên, Nờ Ô Nô đã gây tranh cãi lớn khi quay clip đi từ thiện mà lại có cách nói chuyện cợt nhả, bình luận mang tính miệt thị người khác.